Mentee x Mentor (Phần 2): Những Mentor hiếm có khó tìm
1. Mentor và Mentee
Mentor và Mentee là gì?
Mentor và Mentee là những khái niệm không mới, được hiểu đơn giản là người hướng dẫn và người được hướng dẫn. Ngoài những thầy cô giáo của mười hai năm phổ thông thì từ đại học cho đến khi đi làm, chắc chắn mỗi người đều sẽ có những mentor và mentee trong hành trình phát triển của mình.
Ai có thể là Mentor hoặc Mentee?
Ngày nay, mentor có thể là giảng viên đại học, các anh chị tiền bối khóa trên, sếp trực tiếp hay thậm chí là bạn bè, đồng nghiệp hoặc người trẻ tuổi hơn nhưng lại là “cao thủ” trong lĩnh vực của họ. Ngược lại, mentee thường là các đàn em trong trường, trong ngành, hay thế hệ tiếp nối còn ít hoặc chưa có kinh nghiệm thực tế.

Mối quan hệ Mentor – Mentee
Quan hệ giữa mentor và mentee không nhất thiết giống mô hình “giáo viên dạy kèm,” mà thường linh hoạt và đa dạng hơn về cách thức lẫn môi trường giao tiếp. Ví dụ: nếu mentor là tiền bối, bạn có thể gặp gỡ trong các buổi cà phê, trò chuyện qua mạng xã hội, gọi điện, hoặc cùng tham dự triển lãm và sự kiện chuyên môn. Nếu mentor là sếp, các buổi trao đổi trực tiếp trong phòng họp cũng là một cơ hội để học hỏi.
2. Tầm sư sao cho “sáng”?
Như đã nói, mỗi người có thể có nhiều mentor, nhưng không vì vậy mà chúng ta chọn mentor một cách sơ sài. Lựa chọn mentor một cách hời hợt có thể khiến bạn phải trả giá bằng thời gian, công sức, và đối mặt với những rủi ro từ kiến thức sai lệch, góc nhìn chủ quan hay kinh nghiệm thiếu toàn diện từ những “mentor sơ sài.”
Vậy để tìm kiếm một “mentor sâu sát” phải làm sao. Hãy thử tham khảo một số tiêu chí dưới đây:
- Chuyên môn: Đây là yếu tố quan trọng nhất. Một mentor giỏi trước tiên phải là người xuất sắc hoặc có tay nghề cao trong lĩnh vực của họ. Chuyên môn chính là trọng tâm bạn cần học hỏi trong giai đoạn đầu sự nghiệp, vì vậy đừng ngần ngại đặt câu hỏi hay đào sâu kiến thức từ họ.
- Kinh nghiệm: Một mentor thực thụ cần có trải nghiệm đủ lâu, lý tưởng là khoảng ít nhất bốn đến năm năm trong nghề trở lên. Thời gian này đủ để họ tích lũy góc nhìn khách quan, sự thấu cảm với mentee cũng như với các đặc thù của ngành nghề. Những lời khuyên của họ sẽ giúp bạn, một mentee đầy nhiệt huyết nhưng dễ bồng bột, tìm thấy sự cân bằng trong hành trình phát triển.

- Vị trí và chức vụ: Nếu mục tiêu sự nghiệp của bạn là thăng tiến theo một lộ trình rõ ràng, thì một mentor giữ vai trò quản lý sẽ rất đáng để cân nhắc. Họ có thể chia sẻ nhiều bài học quý giá về kỹ năng lãnh đạo, chiến lược và quản trị.
- Khả năng truyền đạt: Dù không phải yếu tố bắt buộc, nhưng một mentor giỏi truyền đạt sẽ là lợi thế lớn. Trong thế giới sáng tạo đầy thuật ngữ, khái niệm và ý tưởng trừu tượng, một mentor với khả năng giải thích dễ hiểu giúp bạn nắm bắt nhanh hơn và hiệu quả hơn.
- Sự yêu nghề: Yêu nghề không giống yêu tiền bạc hay quyền lực. Đó là tình yêu thuần khiết với công việc, là sự gắn bó sâu sắc với nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp. Một mentor yêu nghề sẽ luôn đặt tâm huyết vào những gì họ làm, giúp bạn không chỉ học kỹ năng mà còn học cách trân trọng giá trị nghề nghiệp. Đây là yếu tố không chỉ quan trọng mà còn hiếm có khó tìm, vì vậy nếu bạn may mắn tìm thấy những mentor yêu nghề thì hãy hết sức trân trọng họ.
(Còn tiếp)