Logo? Tên? Màu sắc? Xây dựng thương hiệu không chỉ là việc tạo ra một logo hay một cái tên hấp dẫn mà còn bao gồm cả những yếu tố hữu hình và vô hình. Dưới đây là những khía cạnh quan trọng của cả hai loại này trong xây dựng thương hiệu:
Yếu tố hữu hình / Tangible
Logo và bộ Nhận diện Thương hiệu (Brand Identity): Logo, kiểu chữ, màu sắc, và các yếu tố đồ họa khác là những thứ dễ nhìn thấy và trực quan. Đây là yếu tố quan trọng để tạo ấn tượng ban đầu với khách hàng.
Sản phẩm và bao bì (Product and Packaging): Sản phẩm đẹp, mẫu mã sang trọng thể hiện giá trị của thương hiệu. Được đóng gói trong một cách kỹ lưỡng, thiết kế thông minh hay in ấn trên chất liệu thân thiện với môi trường… giúp khách hàng nhận diện thương hiệu dễ dàng và tăng niềm tin với thương hiệu.
Giao diện kỹ thuật số (Digital Presence): Các nền tảng kỹ thuật số là một phần quan trọng để người tiêu dùng va chạm và tương tác với thương hiệu. Giao diện người dùng, chức năng và sự tiện lợi đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện sự chuyên nghiệp của thương hiệu.
Chất lượng dịch vụ (Customer Service): Dịch vụ khách hàng (như giao hàng, chăm sóc khách hàng trực tuyến, hậu mãi) cũng là yếu tố hữu hình trong trải nghiệm của người dùng.

Yếu tố vô hình / Intangible
Giá trị thương hiệu cốt lõi (Brand core values): Giá trị thương hiệu cốt lõi là những nguyên tắc cơ bản, niềm tin và triết lý của một thương hiệu. Những giá trị này giúp xác định mục đích thương hiệu, văn hóa thương hiệu, và định hình phong cách thương hiệu trong việc tương tác với các bên liên quan (khách hàng, nhân viên, thị trường,…). Đây là nền tảng để xây dựng bản sắc của thương hiệu.
Nhận thức về thương hiệu (Brand Perception): Thương hiệu còn được hình thành từ cách trong tâm trí của khách hàng và công chúng. Những trải nghiệm tích cực hay tiêu cực của khách hàng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự tin cậy và uy tín của thương hiệu.
Câu chuyện thương hiệu (Brand Story): Mỗi thương hiệu đều có một câu chuyện riêng, một lý do ra đời, một hành trình phát triển. Câu chuyện này tạo sự kết nối về cảm xúc và tạo dựng niềm tin đối với khách hàng.

Tính cách thương hiệu (Brand Personality): Các yếu tố vô hình mà thương hiệu muốn được khách hàng nhìn nhận qua phong cách giao tiếp, tông giọng trong các chiến dịch truyền thông, thái độ phục vụ khách hàng, hay cách thức thể hiện mình trong các tình huống sẽ tạo nên một “tính cách” thương hiệu mà khách hàng có thể dễ dàng nhận diện ví dụ như quyết liệt, chân thành, thông minh…
Trải nghiệm khách hàng (Customer Experience): Phần lớn liên quan đến những điểm chạm (touchpoints) giúp khách hàng có nhận thức về một thương hiệu, bao gồm cảm giác hài lòng, niềm tin, và sự kết nối vô hình mà khách hàng cảm nhận được qua mỗi lần tương tác với thương hiệu.
Trên hành trình xây dựng một thương hiệu uy tín và bền vững, cả yếu tố hữu hình và vô hình là bắt buộc. Một thương hiệu có thể có thiết kế đẹp mắt, sản phẩm chất lượng, nhưng nếu thiếu những giá trị vô hình như sự tin tưởng, câu chuyện truyền cảm hứng, hay những tính cách rõ ràng thì thương hiệu đó khó có thể có chỗ đứng trong lòng khách hàng.