Ước mơ đắt đỏ
Đời làm quảng cáo ngoài khao khát được sáng tạo ra những chiếc TVC và Viral Clip xịn sò, thì ít creative nào không ước ao bỏ túi riêng cho mình ít nhất một hai campaign có dấu ấn của publicity stunt[1] cho portfolio thêm phần đa dạng. Không ít proposal từ các agency đề xuất những ý tưởng publicity stunt điên rồ, sáng tạo mang đến đại tiệc present trong phòng họp của khách hàng từ năm này qua tháng khác.
Tuy nhiên, đời không giống internet, những ý tưởng stunt hoành tráng toàn cầu ta thường thấy trên Youtube, chỉ ao ước một lần được thấy ở ngoài đường phố đã khó, nói gì đến chuyện ý tưởng stunt tương tự do chính mình đề xuất được khách hàng chốt thực hiện lại càng khó gấp trăm lần.
Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến việc không có nhiều publicity stunt xuất sắc và hoành tráng ở nước ta: ý tưởng quá bay, thời gian quá ngắn, không hợp thị hiếu và văn hóa bản địa v..v… tuy nhiên trong tất cả nguyên nhân, kinh điển nhất vẫn là ‘ngân sách’.

Một stunt của National Geography để quảng bá cho triển lãm T-Rex mới và Tuần lễ kỷ Jura. Năm 2015
Rào cản khổng lồ
Để có được một publicity stunt đỉnh nóc như những gì bạn xem trên các case study video nước bạn, đầu tiên bạn cần một ý tưởng kịch bản và phác thảo đủ xuất sắc vượt qua hàng chục vòng feedback để chạm đến cú gật đầu cuối cùng của khách hàng. Tiếp theo, bạn cần một đội ngũ tinh anh có thể thi công một tác phẩm “ô-quào” trong một khoảng thời gian rất “ô-nô”. Tiếp đó là chốt được một vị trí công cộng đắc địa, nhộn nhịp, nổi tiếng và càng gần trung tâm thành phố càng tốt. Và cuối cùng, các thể loại giấy phép pháp lý để tác phẩm của bạn được xuất hiện đúng thời gian và địa điểm mong muốn.
Tất nhiên, để tất cả những yếu tố lý tưởng trên diễn ra trong cùng một dự án thì con số chi ra không hề nhỏ, nếu ý tưởng của bạn có độ bay bổng thuộc hàng “vũ trụ” có thể dự giải Sư Tử Vàng, con số có khi chạm đến mốc triệu đô là bình thường.

Fearless Girl, bức tượng đồng là biểu tượng của bình đẳng giới được lắp đặt đối diện chú bò tót tại phố Wall trong ngày 8 tháng 3 năm 2017
Phép màu “pha-ke”
Ước mơ thì vô tận nhưng ngân sách có hạn, thế nên nhiều creative cũng tạm thời cất dần những ý tưởng stunt triệu đô của mình vào ngăn tủ chờ ngày “thổi bụi”. Nhưng rồi ngày đó cũng đến sớm hơn ta tưởng, sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội video đi cùng sự phổ biến của công nghệ CGI[2] đã biến những chiếc smartphone thành “nơi công cộng ảo” với lượng mắt xem khổng lồ ngày qua ngày. Và nếu đã có nơi công cộng ảo thì tại sao không thể có stunt “pha-ke”? Thế là khái niệm Fake OOH (Fake Out of Home) hay còn còn gọi là CGI FOOH ra đời.
CGI FOOH mở ra một môi trường quảng cáo mới, cho phép giải phóng những ý tưởng ấp ủ đã lâu trong ngăn tủ tinh thần của dân sáng tạo. Vẫn ý tưởng kịch bản đỉnh nóc, vẫn đội ngũ triển khai hùng hậu, vẫn những địa điểm nổi tiếng trung tâm thành phố, vẫn có hàng triệu người xem, thậm chí còn có thể vượt xa số người xem so với stunt thật ngoài phố. Và điều tuyệt vời là mọi thứ đều có thể xảy ra mà không cần ngân sách triệu đô, chỉ cần “triệu đồng” là đủ.
Quy trình sản xuất CGI FOOH cũng tinh gọn hơn nhiều so với publicity stunt. Thời gian sản xuất có thể từ ba đến sáu tuần tùy vào độ khó của ý tưởng. Đầu tiên là phác thảo để duyệt ý tưởng CGI và địa điểm. Sau khi khách duyệt, team quay dựng sẽ đi quay lấy footage[3] địa điểm theo phác thảo đã chốt. Tiếp đến team 3D CGI sẽ dựng hiệu ứng, đối tượng tĩnh đặt vào footage cho đúng phối cảnh và các hiệu ứng ảnh hưởng từ môi trường. Cuối cùng tạo các chuyển động và hoàn thiện video chờ ngày “on air”[4].
Nguồn video: Huy Mai
Lưu ý và phát huy
CGI FOOH xuất hiện nhằm giải quyết một số nhu cầu về kênh hiển thị của ngành quảng cáo. Và đương nhiên, không có gì hoàn hảo, nó cũng có những điểm hay và dở như mọi kênh quảng cáo khác.
Điểm cần phát huy:
- Như đã trình bày, CGI FOOH là nơi gửi gắm ý tưởng triệu đô với ngân sách triệu đồng.
- Khả năng thu hút và lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, nếu làm tới nơi tới chốn.
- Là “vùng đất” thử nghiệm ý tưởng, nhiều ý tưởng cho sự sáng tạo vô hạn.
- Triển khai nhanh chóng và linh hoạt với số lượng nhân sự tham gia tối thiểu.
- Dễ dàng đo lường kết quả, hiệu quả hoặc hậu quả nhờ các nền tảng số.
Điểm cần lưu ý:
- Có thể gây cảm giác hụt hẫng, thiếu thực tế và chưa thực sự gần gũi.
- Ý tưởng cần liên tục đổi mới, nếu không dễ làm khán giả nhàm chán.
- Vì dễ thực hiện nên độ cạnh tranh với các đối thủ cũng sẽ cao hơn.
- Cần thận trọng về nội dung truyền tải để tránh cảm giác “fake news”.
- Là hình thức mới, cần nghiên cứu kỹ về các vấn đề pháp lý.
[1]Publicity stunt: hoạt động/sự kiện gây chú ý của công chúng và truyền thông
[2]CGI: Công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (Computer-generated imagery)
[3]Footage: là các cảnh quay thô chưa được chỉnh sửa
[4]On air: Phát sóng trên các phương tiện truyền thông