Webinar
July 22, 2024

Art Director (Phần cuối): Bí kíp vào nghề.

2210771473 2210771473
Chẳng ai ngồi trong văn phòng 24/7 mà có thể sáng tạo ra những ý tưởng xuất thần đi vào lòng người. 

NHỮNG PHẨM CHẤT CẦN CÓ CỦA MỘT ART DIRECTOR LÀ GÌ?

Bỏ qua những yêu cầu hiển nhiên cần phải có như kiến thức chuyên môn hay kỹ năng làm nghề thì để trở thành một Art Director đúng nghĩa, chúng ta cần phát triển thêm những gì?

1. Ý tưởng góp nhặt từ vốn sống. 

Thật kỳ cục khi làm sáng tạo lại không có ý tưởng hoặc dễ dàng rơi vào tình trạng bí ý tưởng. Ý tưởng không phải là những thứ tự nhiên xuất hiện trong đầu chúng ta, chúng chỉ hiện diện khi vốn sống của chúng ta đủ chín, đủ nhiều. Chúng tồn tại bởi sự đúc kết từ những gì chúng ta quan sát trong cuộc sống và thế giới xung quanh. Sẽ có sự khó khăn nhất định khi bạn chưa từng uống thức uống có cồn nhưng được giao nhiệm vụ thực hiện chiến dịch quảng cáo cho một nhãn bia?. Tuy nhiên, vẫn sẽ có nhiều cách để cách tiếp xúc ngành hàng một cách lành mạnh và an toàn như phỏng vấn những người bạn hay uống bia, rủ họ đi cà phê trò chuyện, hoặc có thể tổ chức một buổi “nhậu brainstorm”. Cuộc sống của một người làm sáng tạo nói chung và Art Director nói riêng luôn phải phong phú và đa dạng những màu sắc và chất liệu khác nhau. Chẳng ai ngồi trong văn phòng 24/7 mà có thể sáng tạo ra những ý tưởng xuất thần đi vào lòng người. 

Nguồn ảnh: Internet

2. Trở thành một người “khát” thông tin và kiến thức mới

Trong thời đại chạy đua về kỹ thuật, công nghệ từng phút từng giây như hiện nay, là người làm việc với truyền thông quảng cáo chúng ta phải thường xuyên cập nhật xu hướng mới và học hỏi những kiến thức, những góc nhìn, những thay đổi mới của xã hội. Tất cả những thứ này chính là nguyên liệu và công cụ thiết yếu để chúng ta sử dụng cho công việc.

3. Biết thiết kế

Có thể dễ dàng thấy rằng ở Việt Nam, đa phần các Art Director đều có thể thiết kế, nhưng đó không phải là điều hiển nhiên. Lý do là vì đa số các Art Director trong nước đều xuất phát từ những ngành đào tạo về Graphic Design (Thiết kế đồ họa) thay vì Visual Communication (Truyền thông thị giác) như những nước khác. Trên thực tế, khả năng thiết kế của Art Director có thể kém nhiều so với Designer, bởi thiết kế không phải công việc chính của họ. Nhưng để công việc được linh động và trôi chảy hơn trong nhịp độ công việc thời 4.0 này thì lời khuyên chân thành là Art Director cũng nên biết thiết kế để không phụ thuộc quá nhiều vào Designer.

4. Không từ chối học những thứ mới

Đừng để bản thân bị giới hạn chỉ bởi vì những câu nói như: “Designer/Art Director thì biết Ai, Ps được rồi, cần gì biết Motion, cần gì biết PowerPoint, cần gì biết tâm lý học …”. Suy nghĩ như thế đang phần nào khiến cho bản thân bạn bị giới hạn và cũng không tốt cho con đường sự nghiệp của bạn. Ý tôi không phải là bạn phải rành tất cả mọi thứ trên đời, điều tôi muốn đề cập đến là thái độ khi gặp một thứ gì đó mới mẻ, hãy hứng thú tìm tòi học hỏi về chúng chứ đừng nghĩ đó không phải lĩnh vực của mình nên mình không cần quan tâm.

Nguồn ảnh: Internet

5. Tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật khác

Không chỉ có mỹ thuật và thiết kế, những loại hình nghệ thuật khác cũng rất cần thiết cho công việc của một Art Director. Ví dụ như âm nhạc, bạn có phải chọn nhạc cho phim quảng cáo của mình hay không? Hay như điện ảnh, bạn sẽ cần kinh nghiệm của một người xem phim để đưa ra những ý tưởng về kịch bản cho quảng cáo chứ? Hoặc một chiến dịch quảng cáo nào đó cần đến vũ đạo, liệu bạn có biết gì về nó để đưa ra những ý tưởng phù hợp? Đừng giới hạn bản thân, hãy luôn mở lòng tìm hiểu và thưởng thức rộng hơn về những môn nghệ thuật khác xung quanh bạn để bồi dưỡng cho tâm hồn và vốn sống của mình.

6. Có trách nhiệm với nghệ thuật và sáng tạo

Những gì bạn tạo ra phản ánh phần nào trình độ và thái độ của bạn đối với công việc. Thế nên cũng giống như tựa đề, Art Director là người mang trách nhiệm với nghệ thuật và sáng tạo. Hãy làm việc có tâm, đừng hời hợt với bất cứ thứ gì mình tạo ra. Vì suy cho cùng, người ta gọi bạn là gì, Designer, Art Director hay Creative Director là do chính công việc của bạn định nghĩa chứ không phải là một cái chức danh trên danh thiếp mà bất kỳ ai cũng có thể in tùy ý.

HẾT.

Art Director (Phần 1): Giám đốc nghệ thuật – nghề nghiệp hay cấp bậc?

Tác giả: Huy Mai
Thời điểm phát hành: 2020
Nội dung chính từng được phát hành trên: Phụ bản RIO BOOK – Art Direction

Keep reading

Toi Co 2

Khi dân sáng tạo FOMO

Chỉ lỡ dậy muộn một hôm, lên mạng đã trở thành “người tối cổ”. Đây là thực trạng…

View all