Webinar
September 2, 2024

Vì sao quảng cáo sáng tạo (thỉnh thoảng) cần Burnout?

Burnout
Khi ta thực sự đắm chìm vào việc sáng tạo, mắt ta sáng lên, miệng cười vô nghĩa và trái tim ta nhảy múa. Thay vì đặt câu hỏi ‘nghệ thuật phòng chống burnout’, chúng ta nên tìm hiểu ‘burnout thế nào cho đúng và cho đáng?’

**Burnout** – cụm từ mà ai cũng nghe đến dạo gần đây, đặc biệt là trong ngành quảng cáo vốn ‘nổi tiếng’ với môi trường làm việc áp lực, yêu cầu cao, và những deadline đến mức khiến cả những người cứng cỏi nhất cũng phải ngã quỵ. Burnout dường như là phần không thể thiếu của cuộc sống quảng cáo, nhưng thay vì đặt câu hỏi ‘nghệ thuật phòng chống burnout’, chúng ta nên tìm hiểu ‘burnout thế nào cho đúng và cho đáng?’ 

Burnout

Burnout Đúng và Đáng 

1

Sáng tạo là niềm vui. Đúng vậy, khi ta thực sự đắm chìm vào việc sáng tạo, mắt ta sáng lên, miệng cười vô nghĩa và trái tim ta nhảy múa. Nhưng nếu đam mê sáng tạo chỉ là một cuộc dạo chơi, thì chắc hẳn ngành quảng cáo không phải là nơi dành cho bạn. Ngay cả những nghệ sĩ tài năng nhất cũng có lúc phải đối mặt với cạn kiệt ý tưởng và năng lượng, huống chi là dân “nói láo” như quảng cáo. Vậy nên, đừng mơ mộng về một môi trường làm việc nơi burnout không bao giờ ghé thăm. Burnout sẽ luôn là một phần trong ‘schedule’ của người sáng tạo.

Thay vì cố gắng tránh né, hãy học cách đón nhận burnout. Hãy burnout khi ta vừa hoàn thành một mẫu quảng cáo đầy cảm xúc, khi ta đã trải qua nhiều đêm không ngủ để hoàn thiện một portfolio đỉnh chóp, kịch trần, hay khi ta đã dành hàng tuần để mài giũa hàng tá ý tưởng trong bản phát thảo của mình. Những lúc đó, burnout không phải là một sự thất bại, mà là dấu hiệu của sự nỗ lực, của sự sáng tạo thực sự. Nhưng để mỗi lần burnout đều có giá trị, chúng ta cần điều chỉnh tư duy và cách tiếp cận.

Tư Duy Đúng

Điều đầu tiên cần thay đổi là cách ta nghĩ về burnout. Đừng dị ứng với burnout. Đừng mù quáng chạy theo work-life balance. Và đừng vội chạy đi chữa lành khi profile còn chưa bằng ai. Thay vào đó, hãy tự hỏi: “Mình đang làm việc quần quật này vì cái gì? Mình có đang chiến đấu cho một mục tiêu đáng giá không?”

Nếu bạn chỉ đang cố gắng làm hài lòng sếp hoặc khách hàng bằng những công việc vô nghĩa, burnout chắc chắn sẽ đến nhanh chóng và đau đớn. Nhưng nếu bạn đang dốc hết tâm sức cho một dự án mà bạn tin tưởng, đang khám phá những kiến thức mới và đẩy mình đến giới hạn để tạo ra điều gì đó thực sự đặc biệt, thì burnout đó lại là dấu hiệu của sự tận tâm. Hãy nghĩ về burnout như là việc yêu đến tận cùng trái tim – có tình yêu nào nảy mầm nếu ta ngại khó, ngại khổ, ngại lỗ không?

Làm Việc Với Mục Đích

Xác định rõ mục đích của mỗi chiến dịch quảng cáo là điều vô cùng quan trọng. Đừng chỉ dừng lại ở việc chạy theo những con số KPI hay lượt like. Hãy đào sâu hơn để tìm ra mục tiêu thực sự của dự án: làm sao để tác động đến cảm xúc của người tiêu dùng, làm sao để mang lại giá trị cho họ? Đạt KPI không hề sai nhé, nhưng đừng đặt nó là tiêu chí tối cao. Một chiến dịch quảng cáo, một thông điệp, một hình ảnh thông minh và giàu ý nghĩa tự thân sẽ đạt được KPI được giao.

Tạo Ra Cảm Xúc và Hành Động

Những điều khiến ta khóc, cười, giận dữ hay xao xuyến thường là những thứ in sâu trong tâm trí. Khi một quảng cáo có thể làm điều đó – kích thích cảm xúc và dẫn đến hành động – thì đó chính là lúc chúng ta cảm thấy thỏa mãn nhất với công việc của mình. Đó là phần thưởng không chỉ cho khách hàng, mà còn cho chính chúng ta. Nhưng hãy nhớ, mọi thứ cần được giữ ở mức độ vừa phải, tránh đi quá giới hạn và gây phản cảm.

Tìm Kiếm Niềm Đam Mê Ngoài Công Việc… Và Nuôi Dưỡng Nó

Làm quảng cáo sáng tạo có nghĩa là bạn cần có kiến thức trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như làm phim, nhiếp ảnh, văn chương, đồ họa, thậm chí là công nghệ. Việc có một niềm đam mê trong một lĩnh vực nghệ thuật nào đó sẽ giúp nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của bạn, không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống hàng ngày. Hãy lập kế hoạch để phát triển và thực hiện những dự án cá nhân. Bạn sẽ bất ngờ với chính mình sau một thời gian kiên trì theo đuổi niềm đam mê ấy.

Làm Mới Bản Thân

Đừng ngại nạp thêm kiến thức chuyên môn và cải thiện thái độ, tinh thần. Không chỉ vậy, chúng ta còn có thể học hỏi từ đồng nghiệp, đối tác hay thậm chí là khách hàng. Việc này không chỉ giúp bạn “sạc pin” mà còn mở ra những góc nhìn mới mẻ, giúp bạn đối phó với burnout một cách hiệu quả hơn. 

Kết Nối Với Niềm Vui Của Người Khác

Burnout không phải là thứ gì đó mà bạn phải chịu đựng một mình. Nếu có thể tìm thấy và kết nối với những đồng nghiệp có chung chí hướng, những người cũng đang đối mặt với burnout, bạn sẽ thấy rằng điều đó không phải là một gánh nặng mà là một phần tự nhiên trong hành trình sáng tạo. Cùng nhau chia sẻ, cùng nhau vượt qua, và biết đâu, chính những lần burnout này lại trở thành những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của bạn.

Tóm lại, burnout trong quảng cáo là điều không thể tránh khỏi, nhưng nếu chúng ta biết cách đối mặt và biến nó thành động lực, thì burnout không còn là kẻ thù mà trở thành một phần quan trọng trong hành trình sáng tạo của chúng ta. Hãy burnout đúng cách, để mỗi giọt mồ hôi và mỗi đêm không ngủ đều mang lại giá trị và niềm vui vỡ òa cho cả sự nghiệp và cuộc sống của bạn.

Keep reading

Toi Co 2

Khi dân sáng tạo FOMO

Chỉ lỡ dậy muộn một hôm, lên mạng đã trở thành “người tối cổ”. Đây là thực trạng…

View all