Webinar
Hong TranHồng Trần
April 8, 2025 - 

Sở thích cá nhân kích thích sự sáng tạo ra sao?

Chẳng ai học được gì từ chính mình. Nếu chỉ nói chuyện với những người cùng tư duy, cùng ngành, cùng sở thích, chúng ta sẽ mãi chạy trong một vòng lặp ý tưởng.

Kể từ lúc bước chân vào lĩnh vực sáng tạo, tôi nhận ra một điều: Chơi rất quan trọng. Không phải kiểu “giết thời gian” hay “có gì làm nấy”. Mà là biết cách chơi. Biết ném mình vào những điều thú vị, những điều mở mang đầu óc, những thứ khiến bạn cảm thấy “Chết tiệt, mình cần ghi lại cái này”. Và dĩ nhiên, mỗi người có cách chơi riêng.

Tôi thuộc nhóm thích xê dịch, luôn tìm đến nơi nắng ấm, tò mò với bất kỳ thứ gì mới lạ, thích sục sạo những ngóc ngách mà không ai quan tâm. Có thể vì tôi dễ chán. Cũng có thể vì tôi tham lam. Tham kiến thức, tham cảm giác, tham những thứ “chưa ai từng thấy”. Và đó chính là nhiên liệu cho sáng tạo. Dưới đây là 5 sở thích cá nhân giúp tôi bơm xăng cho bộ máy này.

1. Đi – không cần biết đi đâu

Người ta bảo “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Tôi tin vào câu này, nhưng không phải vì những bài học vĩ mô, mà vì những thứ vụn vặt tôi nhặt nhạnh trên đường. Một biển quảng cáo cũ kỹ, một cuộc hội thoại văng vẳng từ quán café bên kia đường, hay một ông già chửi bới cái máy bán nước tự động. Tất cả đều có thể là ý tưởng.

Đi giúp tôi bước ra khỏi vòng an toàn của mình. Không chỉ về mặt địa lý mà còn là tâm lý. Khi bạn rời khỏi môi trường quen thuộc, bộ não sẽ bật chế độ “không thể đoán trước”. Và đó chính là điều kiện vàng cho sáng tạo.

2. Lục lọi những thứ cũ kỹ

Tôi thích những thứ cũ. Sách cũ, tranh cũ, quảng cáo cũ, băng cassette cũ. Chúng có một thứ mà những thứ mới không có: Sự bào mòn của thời gian. Một chiến dịch quảng cáo từ năm 1960 có thể dạy tôi nhiều hơn một chiến dịch đương đại bóng bẩy. Một bài hát của Scorpions có thể gợi mở nhiều điều hơn một bản hit chạy bằng AI.

SNICKERS Marilyn “Dafoe” commercial

Scorpions – Wind Of Change (Official Music Video)

Sáng tạo không phải là phát minh. Nó là việc lắp ráp lại những gì đã có theo một cách mới. Và những gì đã có thường nằm trong đống đồ cũ.

3. Trò chuyện với những người khác mình

Chẳng ai học được gì từ chính mình. Nếu chỉ nói chuyện với những người cùng tư duy, cùng ngành, cùng sở thích, chúng ta sẽ mãi chạy trong một vòng lặp ý tưởng.

Tôi thích nghe những câu chuyện từ những người xa lạ. Một người thợ may, một tay đầu bếp đường phố, một ông cụ 80 tuổi, một đứa nhóc 5 tuổi. Mỗi người có một thế giới riêng, một bộ lọc riêng. Và khi bạn mượn được bộ lọc của họ, bạn có thể nhìn thế giới theo một cách hoàn toàn mới.

Một lần, tôi tán gẫu với một bác sĩ. Giữa những câu chuyện, bác ấy buông một câu: “Khó nhất là chữa cho người thân. Cảm xúc có thể đá bay lý trí chỉ trong một nốt nhạc.”

Hóa ra, khi đứng trước người mình yêu thương, ngay cả một chuyên gia cũng có thể chùn tay. Tất cả những năm kinh nghiệm, lý thuyết, nguyên tắc bỗng trở nên mờ nhạt khi đối diện với đôi mắt đầy hy vọng của một người thân thiết. Sự khách quan biến mất. Cái đầu lạnh nhường chỗ cho trái tim nóng. Và đó là điều tối kỵ trong nghề.

Enhanced h nh nh m t c g i ch u c t nh ang v m t b c (1)

4. Viết lung tung – không cần lý do

Viết không phải chỉ để đăng. Viết cũng không phải lúc nào cũng có mục đích. Viết có thể đơn giản là để não vận động.

Những ý tưởng tuyệt vời hiếm khi đến khi bạn cần chúng nhất. Chúng xuất hiện khi bạn đang viết nhảm về một con mèo đang lượn lờ ngoài ban công. Hoặc khi bạn viết về một buổi sáng mưa mà không ai quan tâm. Viết giúp bạn khai thác những suy nghĩ bị vùi lấp trong đầu, những thứ có thể trở thành vàng nếu được đào đúng cách.

Lặng thinh thinh lặng

Chẳng kêu chẳng rằng

Tôi đi theo những hiếu kỳ xa tầm với 

Mon men bên ô cửa, thầm hỏi:

“Bước vào những vùng xa xôi 

Hay bên cạnh những kẻ cung phụng tôi 

Mọi sự đang ổn sao tim tôi cồn cào 

Bởi những tiếng gọi ôi thôi lại…đói rồi”

  • Hồng Trần

Một mẩu vô nghĩa cho con mèo ham chơi nhà tôi 

H nh g c cao m t c g i ch u ang vi t t do tr (2)

5. Nhìn chằm chằm vào những thứ vô nghĩa

Có lần tôi mất nguyên một buổi tối chỉ để nhìn vào một cái lồng cây trong một quán bar. Bên trong là mấy chú chim giả. Tôi không chắc mình đang làm gì, nhưng sau đó, một ý nghĩ kỳ quặc len lỏi vào đầu: Liệu một ngày nào đó, tất cả những gì chúng ta biết về tự nhiên chỉ còn là những mô hình nhựa?

Buồn thật đấy. Một mặt, ta tôn vinh thiên nhiên, mặt khác, ta biến nó thành đồ trang trí trong những không gian tiêu dùng. Nhưng rồi tôi cũng nhớ ra: Không có thiên nhiên, con người có lẽ chẳng thể tiến hoá xa đến thế. Chúng ta vay mượn từ nó, học từ nó, mô phỏng nó. Cái nghịch lý này làm tôi băn khoăn suốt cả đêm, và sáng hôm sau, tôi có ý tưởng cho một dự án hình ảnh về tự nhiên và nhân tạo tương trợ nhau ra sau. 

Chúng ta bị ám ảnh bởi việc phải làm gì đó hữu ích mọi lúc. Nhưng đôi khi, sáng tạo cần ta lơ đãng. Cần ta thả trôi đầu óc. Cần ta nhìn chằm chằm vào một vệt nứt trên tường và tự hỏi “Nếu nó là bản đồ của một thành phố vô hình thì sao?”.

Sáng tạo không phải là một công thức. Nó là một hệ sinh thái. Nó cần những yếu tố nuôi dưỡng. Và những yếu tố đó có thể đến từ những điều rất nhỏ: Một cuộc đi dạo, một câu chuyện vớ vẩn, một mảnh ký ức xưa cũ.

Vậy nên, nếu bạn đang mắc kẹt, hãy đi. Hãy lục lọi. Hãy trò chuyện. Hãy viết. Hoặc đơn giản là ngồi xuống, nhìn chằm chằm vào một thứ gì đó vô nghĩa. Biết đâu, đó chính là lúc ý tưởng lóe lên.

Keep reading