Webinar
July 26, 2024

Quảng cáo – Người bạn thấu hiểu hay kẻ theo đuôi (Phần cuối)

Person Suffering From Technology Addiction Cybersickness
5 giây là một khoảng thời gian đủ nhanh để người xem không mất kiên nhẫn, và đủ lâu để người là quảng cáo gắn chiếc logo và truyền tải nhanh một thông điệp ngắn gọn.

NỖI SỢ BỊ… SKIP 

Không biết từ bao giờ vào một ngày như mọi ngày khi các tài năng phòng Creative vẫn đang miệt mài cắm mặt vào đống brief của mình thì bỗng nhiên nhận được một thông báo xanh rờn từ Account: “Làm gì làm logo và sản phẩm phải xuất hiện ở 5s đầu tiên của video nhé mọi người ơi!”. Một sự hoang mang ập đến mạnh mẽ: “Ủa gì kỳ vậy?”, “Vậy sao được!”, “Ý đồ nghệ thuật của tôi sao làm vậy được!”… 

Luật lệ nào ra đời cũng đều có nguyên nhân cả và lần này cũng không ngoại lệ. Chắc ai trong chúng ta cũng thừa biết rằng với quảng cáo YouTube, người xem sẽ được “skip ad” sau 5 giây. Đó hoàn toàn có thể dựa vào một nghiên cứu hành vi nào đó của những chuyên gia “trên kia” về sự kiên nhẫn của một người dùng trên digital. 5 giây là một khoảng thời gian đủ nhanh để người xem không mất kiên nhẫn, và đủ lâu để người là quảng cáo gắn chiếc logo và truyền tải nhanh một thông điệp ngắn gọn.

Lúc này ranh giới giữa Người Thấu Hiểu và Kẻ Phiền Toái càng không rõ ràng. 5 giây đầu tiên quý giá đã phải nhường chỗ cho nhãn hàng và thương hiệu. Thứ phân biệt đâu là cám và đâu là vàng phải sau 5 giây mới bắt đầu lộ rõ, nhưng người xem được mấy ai kiên nhẫn xem tiếp sau khi bị loạt logo “khủng bố” tinh thần. Skip. Skip. Skip. 

Những ràng buộc kiểu này khiến cho những người sản xuất quảng cáo không còn được tự do để sáng tạo ra những nội dung thật xuất sắc trọn vẹn. Logo phải xuất hiện trong 5 giây đầu tiên, logo phải to, to ơi là to, to hơn nữa, chưa đủ to… Phải thấy vai trò thương hiệu, sản phẩm, sản phẩm phải to, càng to càng tốt, to không ngòi bút nào tả xiết… Và rồi dưới những áp lực đè nén của luật lệ, những gì xuất hiện trong mắt người xem trở nên không còn thật sự là những “tác phẩm” trong trẻo, mềm mại và hài hước nữa mà đôi khi thay vào đó là sự kệch cỡm. 

Dưới áp lực của các quy tắc luật lệ, liệu chăng những gì xuất hiện trong mắt người xem sẽ trở thành sự kệch cỡm?

Nguồn ảnh: Internet

NGƯỜI THẤU HIỂU TRỞ THÀNH KẺ PHIỀN TOÁI VÀ NGƯỢC LẠI?

Cuối cùng, vai trò của việc phát quảng cáo cần được nhắc đến như một sự kết nối cần thiết nhằm đưa quảng cáo đến đúng người, đúng mục đích. Thật thảm hoạ nếu như một người thích nhạc giao hưởng phải nghe một bản rock quằn quại cho dù bản rock đó có là một tác phẩm đỉnh cao đi nữa. Hay một tín đồ cà phê phải uống một ly trà sữa trân châu 100 đường 50 đá cho dù đó là ly trà sữa chất lượng cấp châu lục. Các mẩu quảng cáo tràn ngập đôi khi xuất hiện không đúng lúc, cũng chẳng đúng nơi. Điển hình như câu chuyện mẫu quảng cáo nhảy bổ ra giữa đêm trong một bài “nhạc dễ ngủ” đã được kể đến ở trên. Một Kẻ Phiền Toái không hoàn toàn là những nội dung rác và kém chất lượng. Đôi khi đó cũng chính là những sản phẩm quảng cáo chất lượng nhưng lại bị đưa đến những nơi không đúng, những thời điểm không phù hợp và những người không phải đối tượng mục tiêu.

Câu hỏi được đặt ra là nếu mọi thứ kết nối với nhau một cách hợp lý và đúng đắn thì sẽ không còn chỗ cho những Kẻ Phiền Toái tồn tại? Hay lý tưởng hơn nếu như những Kẻ Phiền Toái được kết nối với đúng nơi, đúng chỗ, đúng đối tượng của mình thì liệu có khả năng trở thành những Người Bạn Thấu Hiểu hay không?

HẾT.

Quảng cáo – Người bạn thấu hiểu hay kẻ theo đuôi (Phần 1)

Tác giả: Huy Mai
Thời điểm phát hành: 2019
Nội dung chính từng được phát hành trên: GAM7 – Book 14: Advertising

Keep reading

Toi Co 2

Khi dân sáng tạo FOMO

Chỉ lỡ dậy muộn một hôm, lên mạng đã trở thành “người tối cổ”. Đây là thực trạng…

View all