Bạn từng ước có budget khủng để làm một campaign “chấn động tam giới”? Hay bạn đã từng vắt óc tìm idea sáng tạo khi trong tay chỉ có ngân sách eo hẹp và deadline dí sát gáy? Không gian sáng tạo rộng hay hẹp đều có những thử thách riêng. Quan trọng là cách bạn xoay sở để biến nó thành lợi thế!
Không gian rộng: Khi bạn có “quyền lực tối thượng”💰🎬
Bạn có một campaign với big budget, celeb làm brand ambassador, open brief xịn sò… Nghe như giấc mơ của dân sáng tạo? Nhưng khoan!
Những điều cần lưu ý:
– Yêu cầu cũng khủng như budget, áp lực nặng ngang quả tạ ngàn cân.
– KPI trời ơi đất hỡi, thành công thì cũng bình thường thôi, còn “xịt” thì mang tiếng xấu muôn đời.
– Open brief là con dao hai lưỡi: (tức là brief mở, không giới hạn ý tưởng hay cách tiếp cận) sáng tạo vô biên nhưng cũng dễ lạc lối nếu không có định hướng rõ ràng. Nhưng một khi đã vượt qua con mắt khắt khe của hội đồng sếp, bạn có thể hạ cánh thẳng lên sân khấu các giải thưởng quảng cáo quốc tế!
Creative nên làm gì?
– Tận dụng triệt để mọi nguồn lực. Phải cào cấu đạo diễn, production house, tech team, global team… để tạo ra hiệu quả cao nhất.
– Đặt tiêu chuẩn cao hơn cả cao nhưng nhớ là phải làm được, không phải vẽ mộng viển vông.
– Plan sớm, kết nối chặt chẽ với team và các bên liên quan. Supervise sát sao để tránh một sai lầm nhỏ đổ domino cả chiến dịch.
Không gian hẹp: Khi bạn phải “liệu cơm gắp mắm”🍲💡
Brief hấp dẫn nhưng budget thì… hơi hẻo, deadline dí sát nút, khách hàng/sếp gắt như bà chủ trọ. Welcome to reality!
Những điều cần lưu ý:
– Thử thách lớn = Cơ hội lớn.
– Nguy cơ lớn nhất: làm cho xong, kiểu “get it done”.
– Nhiều campaign xuất sắc thế giới cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự nhưng họ vẫn tạo ra những tác phẩm khiến người người ngưỡng mộ.
Creative nên làm gì?
– Càng bị ép, sáng tạo càng “ra nước… cờ hay”.
– “Liệu cơm gắp mắm”, nhưng đừng gắp đại. Hãy tìm giải pháp chưa ai nghĩ tới.
– Đồng đội không cần đông, chỉ cần cùng chí hướng và sẵn sàng làm cho đến tốt nhất.
– Biến brief thành “background app” chạy 24/7 trong não: khi ăn, khi ngủ, khi lướt xe ôm công nghệ, thậm chí… Biết đâu Eureka xuất hiện khi đi “xả stress” trong toilet và thực sự những khoảnh khắc như vậy đã từng xảy ra.
Tổng kết: Không gian nào mới là “chân ái”?🤔
Nếu có không gian rộng bạn phải làm được idea kiểu “phim bom tấn” của Christopher Nolan hay James Cameron, dùng budget khủng để thực hiện những công nghệ, kỹ thuật hay tầm nhìn chưa từng có nếu muốn “núi tiền” của mình nổi bật giữa các “núi tiền” khác. Không phải kiểu nhai lại, xào nấu công thức thành công như nhà chuột nào đó.
Còn khi bị nhốt trong không gian hẹp, khoan cảm thấy bức bối, tự ti. Không phải cứ ít tiền, ít thời gian làm cái gì cũng tạm bợ. Hãy nhìn vào những trường hợp như Godzilla Minus One của Nhật (giải Kỹ xảo xuất sắc Oscar 2024) hay Flow của Latvia (giải Phim hoạt hình hay nhất Oscar 2025) với nguồn lực tí hon so với ông lớn Hollywood nhưng họ vẫn vẻ vang mang về cả giải thưởng và sự công nhận toàn cầu khi tìm ra một ý tưởng độc đáo, một giải pháp không cần phải đổ một núi tiền để thực hiện.
Những ví dụ “khủng” ở trên chỉ cốt giải thích cho bạn dễ hiểu, không có ý tạo ra áp lực rằng creative phải đạt đến thành tựu cỡ đó. Nói đúng hơn những tuyệt tác ấy là cảm hứng, là động lực để creative bật nhảy xa hơn, cao hơn.
Vậy creative nên hoạt động trong không gian nào nhiều hơn? Câu trả lời: Cả hai. Sáng tạo không phải “9 to 5”, nó là hành trình phiêu lưu. Đừng mãi ở một vùng an toàn. Nó cần thử thách, cần được ném vào vùng đất lạ để “lột xác” theo thời gian.