Khi nào một thứ tầm thường trở thành ý tưởng? (Phần 1)
3. ẨN DỤ CÓ CHIỀU SÂU
Ẩn dụ là thủ pháp tương đối khó hơn những thủ pháp còn lại. Thủ pháp này đòi hỏi người làm sáng tạo cần liên tưởng nhạy bén trong việc lựa chọn một sự vật, hình tượng có tính đại diện đủ mạnh để thay thế cho ý muốn truyền tải một cách khéo léo. Ví dụ: khi đến gần những cột điện cao thế, ta thường thấy biểu tượng đầu sọ và hai khúc xương chéo, mặc nhiên ta tự hiểu hình ảnh đó muốn nói rằng đây là khu vực cực kỳ nguy hiểm. Hoặc nếu không thích hình ảnh quen thuộc đầu sọ xương chéo, bạn có thể sử dụng các hình tượng đại diện khác như: con dao, khẩu súng, cháy nổ v..v… . Thủ pháp này khiến người xem ấn tượng hơn, nhớ lâu hơn.



4. CƯỜNG ĐIỆU / PHÓNG ĐẠI
Cường điệu hay phóng đại là thủ pháp làm quá ý muốn nói lên gấp nhiều lần đến mức viễn vông để tạo ấn tượng ngay lập tức với người tiếp nhận thông tin. Ví dụ: Chàng trai vừa hớp một ngụm nước tăng lực có thể đẩy lùi chiếc xe tải 10 tấn. Hay một chiếc xe có thể lướt thoải mái trong thư viện mà không phiền đến ai vì đã được trang bị những chiếc lốp xe chống ồn. Nhưng nên nhớ cường điệu hay phóng đại chỉ trở nên duyên dáng và hài hước khi bạn phóng đại thông điệp lên gấp trăm ngàn lần. Nếu bạn chỉ phóng đại nhẹ nhẹ lên hai, ba lần thì bạn rất dễ sa vào lằn ranh của overpromise (hứa hẹn quá mức) trong quảng cáo.

5. HÀI HƯỚC LÀ NĂNG KHIẾU
Ý tưởng hài hước luôn có chỗ đứng vững chắc trong làng sáng tạo quảng cáo. Hài hước giúp ta dễ tiếp cận và tạo ấn tượng tốt với người xem. Sẽ thật khó khăn để ví dụ về một quảng cáo hài hước bằng lời, những ví dụ sẽ đính kèm ngay phía dưới. Hài hước là lợi thế, cũng là năng khiếu, nếu bạn áp dụng thủ pháp này trong buổi brainstorm mà không được đồng nghiệp hưởng ứng, nhiều khả năng ý tưởng chưa đạt độ chín về hài hước, hoặc bản thân bạn chưa đủ đô hài hước như mình nghĩ.



6. TYPOGRAPHY & NGHỆ THUẬT CHỮ
Chữ là một thứ kỳ diệu. Với dân sáng tạo, từ người chuyên về hình ảnh (Art & Design) cho đến dân viết lách (Copywriter & Content Writer), chữ luôn mang một sức mạnh đặc biệt. Từ thủ thuật thiết kế đơn giản như uốn nắn các con chữ thành hình dáng mới lạ, cho đến lồng ghép biểu tượng vào typo một cách tinh tế đều có thể tạo ra ấn tượng thị giác thu hút. Hay với copywriter, họ luôn triệt để khai thác những yếu tố tượng âm, tượng hình của ngôn ngữ, như tính đa nghĩa, nói lái, vần điệu, để biến những câu chữ khô khan trở thành biến thể sống động.


7. CÁC YẾU TỐ NHẬN DIỆN THƯƠNG HIỆU
Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là thủ pháp được các nhãn hàng “thả tim” nhiều nhất, vì lý do đơn giản nhưng hiệu quả với khả năng tạo nên sự ghi nhớ mạnh mẽ về thương hiệu. Tuy nhiên, có một điều kiện quan trọng khi thực hiện thủ pháp này là thương hiệu của bạn phải là một thương hiệu nổi tiếng, nhiều người biết đến, logo, hình dáng sản phẩm, các yếu tố nhận diện thương hiệu cũng phải phổ biến và quen thuộc với người dùng. Một số thương hiệu toàn cầu thường xuyên sử dụng thủ pháp này có thể kể đến như: Coke, McDonald, Heinz v..v…


Dĩ nhiên, danh sách 7 thủ pháp trong chuỗi bài viết này không phải là tất cả, chỉ là những thủ pháp thường gặp được tổng hợp từ nhiều quảng cáo hay và thú vị. Các bạn hãy tự mình thu thập, tổng hợp thêm các phương pháp khác và lưu giữ cho bản thân.
Đừng quên, ngoài các thủ pháp nghệ thuật, một quảng cáo sáng tạo hoàn thiện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác: Chiến lược, Ý tưởng lớn (Big Idea), Câu biểu đạt (Tagline), Định hướng nghệ thuật (Art Direction), kỹ năng thiết kế (Design Skill) hay thậm chí là kênh phát phù hợp (Channel) v..v… Tất cả những điều đó cần kết hợp lại, cộng thêm một chút quyết liệt và may mắn mới tạo nên một chiến dịch quảng cáo ấn tượng và đáng nhớ.
Chúc bạn tìm thấy niềm vui sáng tạo hồn nhiên giữa đời thường cơm áo mỗi ngày.