Webinar
September 9, 2024

Khi dân sáng tạo FOMO

Toi Co 2
Chỉ lỡ dậy muộn một hôm, lên mạng đã trở thành "người tối cổ". Đây là thực trạng của không chỉ dân sáng tạo mà là với rất nhiều bạn trẻ ngày nay.

Nỗi sợ bị “tối cổ”

Khi một ai đó bị dán nhãn creative lên ngực áo thì nhiều khả năng mọi người sẽ cho rằng người đó phải luôn làm ra những thứ mới mẻ một cách thường xuyên và liên tục. Và để làm ra những thứ mới với một tầng suất dày như vậy buộc bạn lại phải luôn nắm bắt những thông tin thời sự mới nhất, những xu hướng hút nhất, những công nghệ tiên tiến nhất của thời đại. Vì nếu không những sản phẩm sáng tạo của bạn sẽ dễ bị lạc lõng và thiếu tính hòa nhập với số đông đại chúng.

Chỉ lỡ dậy muộn một hôm, lên mạng đã trở thành “người tối cổ”. Đây là thực trạng của không chỉ dân sáng tạo mà là với rất nhiều bạn trẻ ngày nay. Rõ ràng nếu khái niệm FOMO dành cho nỗi sợ của người tiền sử khi bị bầy đàn bỏ rơi lại phía sau thì cộng đồng mạng ngày nay cũng cực kỳ sợ bị bỏ lỡ mất những thông tin, những xu hướng, những câu chuyện mà chúng hoàn toàn có thể trở thành những món snack cực cuốn trong giờ ăn trưa hay buổi trà chiều. Riêng với creative, nếu không may bỏ lỡ những “top trend” trong ngày rất thì có thể sẽ bị biến thành “tối cổ” bởi các brand của đối thủ ngay và luôn.

Nguồn ảnh: Internet

Muôn màu FOMO

Có rất nhiều thứ creative rất sợ bị bỏ lỡ nếu như rời màn hình quá 30 phút và mức độ nghiêm trọng có thể là tăng dần theo thứ tự:
Bỏ lỡ một câu chuyện của nhóm bạn đồng nghiệp, nhỏ A mới có bồ, thằng B mới đi phỏng vấn.
Bỏ lỡ một tin tức giật gân của giới showbiz như MV mới ra lò của sếp cán mốc 100 triệu lượt xem, Gameshow nọ đang lọt top thịnh hành chỉ trong vài ngày ra mắt.
Bỏ lỡ một xu hướng đang làm mưa làm gió trên TikTok mà rất có thể các brand đối thủ đã “bắt trend” trước và đang chờ lên bài.
Bỏ lỡ một ứng dụng A.I mới xuất hiện xịn hơn cái hôm qua mình vừa subscribe mất 20 đô. Và rất có thể ngày mai sẽ thêm vài ứng dụng tương tự nữa ra đời.
Và còn vô số những thứ khác nữa trôi khỏi newsfeed của bạn trước khi bạn kịp thấy nó. Và với một creative luôn mang một trọng trách “live update” bên mình thì khó có thể chấp nhận được dù chỉ một lần “tối cổ”. Và cứ như thế, không biết từ khi nào “tối cổ” trở thành điều tối tối kỵ của giới làm sáng tạo quảng cáo.

Bat Trend
Nguồn ảnh: Huy Mai

Kiệt sức vì FOMO?

Những ngày đầu, khi nhiệt huyết và năng lượng trẻ vẫn tràn đầy thì “live update” như một bản năng sinh tồn đối với dân creative, những khái niệm, những trào lưu mới nhất luôn là “củi đốt” với họ trên từng trang feed giúp làm nóng “ngọn lửa” sáng tạo của các creative ngày qua ngày. Và dĩ nhiên, sự tiêu thụ cái mới liên tục đó không thể kéo dài được lâu khi mà một người dù có ba đầu – sáu tay – mười hai con mắt cũng không thể “update” kịp lượng thông tin, xu hướng khổng lồ trên mạng xã hội, đó là chưa kể nguồn năng lượng tuổi trẻ cũng ngày một cạn kiệt sau một thời gian dài làm nghề dần đưa ta đến với điểm quá tải.

Quá tải cái mới cũng không khác bội thực thức ăn. Cảm giác thừa mứa khi hàng trăm thứ mới cùng đến với bạn thì bạn sẽ thấy chẳng cái nào thật sự mới cả, nó gần với trạng thái bão hòa. Có quá nhiều thông tin mới, cái nào là “hot” nhất? Có quá nhiều trend để “bắt”, liệu cái nào thật sự là trend? Có quá nhiều phần mềm và A.I mới ra đời cái nào thật sự cần cho công việc hiện tại? Cảm giác lúc này của bạn sẽ là không còn háo hức như ban đầu và đôi khi cảm thấy thất vọng vì bản thân không còn thấy liên kết được với những thứ mới mẻ đó. Bạn chính thức kiệt sức vì FOMO.

Nguồn ảnh: Internet

Tập trung vào cốt lõi.

Nếu đem sáng tạo đem so với nấu nướng thì có thể nói rằng trend chỉ là gia vị không phải món chính. Và mọi thứ bổ ích và dinh dưỡng nhất nằm trong ý tưởng cốt lõi của người làm sáng tạo. Chính vì vậy, hãy dành nhiều tâm huyết đầu tư cho món chính – ý tưởng thật kỹ lưỡng trước khi “rắc” vào đó một ít trend để kéo gần khẩu vị của thực khách hơn.

Trong công cuộc sáng tạo để sinh tồn, để vừa kịp thời chạy theo bầy đàn vừa tránh kiệt sức vì FOMO những creative đừng ôm đồm mà hãy tin tưởng vào những đồng nghiệp trong “bộ lạc” sáng tạo của mình mỗi người hãy chọn cho mình một vùng “live update” riêng để tập trung đào xới và chia sẻ lại trong buổi “lửa trại” brainstorm của team.

Và thông điệp không kém phần quan trọng đó là hãy thông cảm cho những người “tối cổ”. Không ai muốn bị bầy đàn bỏ lại cả, ai biết được trong số họ có những người từng là ngôi sao sáng trong làng “bắt trend” nhưng đôi khi kiệt sức ngồi lại nghĩ chân một chút đã bị những ánh mắt phán vội vàng dán mác “tối cổ”. Hãy khoan dung, mở lòng hơn với người “tối cổ” vì biết đâu được một buổi sáng nào đó thức dậy muộn ta cũng “cổ” như họ.

Keep reading

View all