Webinar
August 22, 2024

Designer X Sketching: phác thảo xấu làm nên ý tưởng xịn!

Cover Sketch
Quan sát thật sâu, vẽ xuống thật nhiều, khoan hãy hoàn thiện để dành những khoảng trống còn lại cho trí tưởng tượng.

Có lẽ câu hỏi “Designer có cần phải biết vẽ không?” không còn là một câu hỏi quá mới, thế nên bài viết này chỉ nhắc lại một số ý chính từ kinh nghiệm và góc nhìn cá nhân của tôi dành cho các bạn trẻ còn đang chưa tỏ. Bên cạnh đó, bài viết sẽ mở rộng ra hơn nữa với những ý kiến tham khảo từ chuyên gia về designer và kỹ năng phác thảo.

VẬY DESIGNER CÓ CẦN BIẾT VẼ TAY?

Thường câu trả lời bạn nhận được sẽ là một câu trả lời nước đôi kiểu như “TÙY, CÓ LÚC KHÔNG CẦN MÀ CÓ KHI CŨNG CẦN!”

CÓ LẼ LÀ KHÔNG CẦN LẮM.

Trên thực tế, có những designer thuộc nhiều ngành nghề vẫn thăng tiến mà không hề giỏi vẽ tay. Công việc của họ yêu cầu những skill set bắt buộc khác mà trong đó vẽ tay chỉ nằm trong mục ‘điểm cộng’. 

Ví dụ, một Ui Ux Designer những kỹ năng cần hơn hết là: Figma, Prototyping, thậm chí dựng sitemap, wireframe hoàn toàn có thể thực hiện trên các phần mềm chuyên dụng, hôm nào bỏ quên máy tính thì họ chỉ phải vẽ nhanh vài ô vuông ô tròn để minh họa bố cục chứ cũng không phải vẽ một bức vẽ hình người hay phong cảnh gì quá phức tạp. Vì vậy, không gian cho việc vẽ tay gần như là zero.

Một ví dụ khác, Designer trong lĩnh vực dàn trang sách báo thì lại cần quan tâm nhiều về font size, typeface, khoảng cách dòng, lựa chọn và thiết kế những hình ảnh có sẵn từ team nhiếp ảnh gửi qua, họa hoằn lắm thì cũng chỉ phác thảo những khung vuông tròn minh họa cho việc đặt để bố cục, chữ nghĩa và hình ảnh.

Designer At Work In Office
Nguồn ảnh: Internet

MÀ HÌNH NHƯ CŨNG CẦN

Tuy nhiều lĩnh vực designer không cần dùng đến skill vẽ tay trong công việc thường xuyên nhưng hãy xem thử một vài lợi ích mà vẽ tay mang lại cho bạn nhé:

– Vẽ phác thảo tay là một trong bộ các công cụ quan trọng mà dân sáng tạo nào cũng cần trang bị. Cụ thể phác thảo là một trong sáu kỹ năng khi brainstorm: Mind Mapping, Provocative Action, Pessimist vs Optimist, Break & Build, Randomness và Right Braining (Phác thảo thuộc kỹ năng này). 

– Trong khi suy nghĩ, tay bạn sẽ vô thức nguệch ngoạc ra những đường nét ngẫu nhiên, từ những đường nét ngẫu nhiên đó sẽ gieo nên tỷ lệ phần trăm hình thành được một ý tưởng bất chợt nếu như bạn biết cách kết nối và phát triển chúng.

– Vẽ phác thảo giúp chúng ta lưu giữ nhanh những mảnh rời suy nghĩ xuống trang giấy trong hành trình xây dựng một ý tưởng trọn vẹn. Bạn đừng quá ỷ lại vào trí nhớ của mình, vì khi bạn nghĩ ra vài ý mới bạn sẽ dễ dàng quên mất ngay những ý hay trước đó.

– Bởi vì không phải điều gì cũng có thể diễn giải bằng ngôn ngữ nói và viết nhất là trong lĩnh vực sáng tạo, khi bạn phải cố truyền đạt một ý tưởng manh tính tượng hình cho người khác thì vẽ phác thảo có lẽ là công cụ hiệu quả nhất. Từ đó, tránh được rủi ro hiểu nhầm ý của nhau, tiết kiệm được kha khá thời gian trong công việc. Ví dụ mỗi ngày bạn phải thiết kế 4 facebook post, nhưng tới 5h chiều làm xong gửi đi khách lại bảo không đúng ý khách và chúng ta lại phải thức khuya chỉnh sửa lại 4 post đó tới 12h? Tại sao chúng ta không phác thảo nét nhanh trong 10 phút để cùng hiểu ý của nhau trước khi bắt tay vào làm?

Tóm lại, công việc thiết kế mà bạn hướng đến có thể không cần một kỹ năng như phác thảo, điều đó cũng chẳng sao cả, bạn có thể hoàn toàn không cần đến nó và vẫn làm tốt công việc của mình. Nhưng nếu bạn có điều kiện để phát triển thêm kỹ năng phác thảo này thì công việc sáng tạo và giao tiếp của bạn chắc chắn sẽ có những thuận lợi đáng kể.

ĐỪNG TỰ GIỚI HẠN BẢN NĂNG KHÁM PHÁ

Kỹ năng phác thảo có cần thiết hay không có lẽ nhiều bạn đã tìm ra câu trả lời cho mình sau phần giải thích phía trên. Nhưng chờ đã, trước khi quyết định “khó quá cho qua” hãy thử lắng nghe một vài ý kiến từ chuyên gia xem có nên “quay xe” không nhé.

Và cũng câu hỏi tương tự nhưng nó diễn ra trong một trong một lớp học về thiết kế, em sinh viên đặt câu hỏi với người giảng viên hướng dẫn rằng: 
– Thầy cho em hỏi, em định hướng làm Graphic Designer thì có cần biết vẽ tay không thầy?
Người giảng viên cũng là một Creative Director (CD) trong ngành quảng cáo suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
– Trước khi tôi đưa ra câu trả lời tôi muốn em thử tự tưởng tượng xem giữa một designer đang trình bày ý tưởng trước khách hàng, anh ta vừa nói vừa khua tay phác thảo nhanh nhanh trên bảng để mô tả ý tưởng của mình bằng những hình vẽ và một designer khác chỉ trình bày miệng cùng các slides hình ảnh references (hình ảnh tham khảo) trên internet thì phần truyền đạt của designer nào sẽ ấn tượng, dễ hiểu và hiệu quả hơn? Và ai trong hai người trông có vẻ “ngầu” hơn?

Bạn suy nghĩ như thế nào về điều này? Với cá nhân tôi, điều mà người giảng viên vừa nói không chỉ khiến tôi muốn lựa chọn CÓ trong việc phát triển kỹ năng phác thảo, mà nó còn mở rộng ra cho tôi một cánh cửa tư duy khác rộng hơn, Tôi tự đặt những câu hỏi: “Tại sao mình phải lựa chọn KHÔNG trong khi hoàn toàn có thể lựa chọn là CÓ?” Tại sao mình đã hiểu được những lợi điểm của một thứ mà mình hoàn toàn có điều kiện phát triển thì mình lại từ chối nó chỉ vì người khác nói ngành nghề của mình không cần thiết lắm?

Từ đó tôi mở lòng hơn và thử làm những điều mình chưa bao giờ làm, học những điều mình chưa bao giờ biết. Và bản thân tôi cảm thấy đây vừa là cách giúp chúng ta mở rộng thế giới quan, cũng vừa là cách giúp chúng ta khám phá và hiểu chính mình hơn.

KHÔNG SỢ VẼ XẤU, CHỈ SỢ KHÔNG BIẾT VẼ GÌ.

Lời khuyên từ kinh nghiệm cá nhân của tôi là hãy quan sát thật sâu, vẽ xuống thật nhiều, khoan hãy hoàn thiện để dành những khoảng trống còn lại cho trí tưởng tượng. Đó là một trong những cách chúng ta khai mở sự sáng tạo của bạn thân và cả người xem phác thảo. Bạn vẽ hoàn thiện hình thù của trái đất thì chắc chắn đó là trái đất, nhưng nếu bạn vẽ một hình tròn thì nó sẽ có nhiều số phận hơn, có thể đó là chiếc bánh, chiếc đĩa, quả bóng hoặc một cái miệng đang há hốc trong emoji ồ wow. Sự kém hoàn hảo của những nét phác thảo chính là chiếc chìa khóa khai mở sự sáng tạo vô tận của chúng ta.
Dưới đây là một Key Visual của Zalopay năm 2018 được trình bày từ bước phác thảo các ý tưởng cho đến final.

Sketch 1
Bước 1: Phác thảo nhiều ý tưởng.
Img 3346
Bước 2: Chọn ra phác thảo ưng ý.
452002449 1033535581755980 4450843874936490200 N
Bước 3: Làm phiên bản bố cục nháp.
452327338 483071167686708 2113166252925674732 N
Bước 4: Làm phiên bản graphic nháp.
Bước 5: Shooting
450398895 1027174148934274 7207728997790008067 N
Bước 6: Final Artwork
Img 4263 1
Bước 7: Truyền thông.

Có thể thấy trước khi ra đến phiên bản ý tưởng cuối cùng để truyền thông đến người dùng, mẫu quảng cáo này đã được brainstorm và phát triển rất nhiều ý tưởng visual từ đầu bằng rất nhiều hình vẽ phác thảo. Những bản phác thảo ban đầu cực kỳ nguệch ngoạc, xấu xí nhưng chúng lại truyền cảm hứng và khơi gợi trí tưởng tượng rất nhiều cho người xem, thậm chí ngay cả bản thân người làm sáng tạo. Điểm mạnh này không có nhiều công cụ sáng tạo có thể sánh được ngay cả phương pháp mood board và reference. Vậy phác thảo xấu hay đẹp không hề quan trọng, điều quan trọng là phác thảo của bạn có đủ để người xem hiểu được ý tưởng của bạn là gì hay không? Và những nét vẽ trong phác thảo đó có phải là những ý tưởng xịn hay không?

REFERENCE CÓ THAY THẾ ĐƯỢC VAI TRÒ CỦA BẢN PHÁC THẢO?

Có những người cho rằng không cần đến vẽ phác thảo, họ có thể minh họa ý tưởng của mình bằng reference (hình ảnh tham khảo). Tôi thì nghĩ khác, reference hay mini-mood board cũng đều là những công cụ sáng tạo có độ hiệu quả nhất định. Công cụ này trực quan, dễ hiểu tuy nhiên đó cũng là nhược điểm lớn nhất cuả nó, reference là những artwork hoàn thiện, chúng đã xong nhiệm vụ của mình và đang chễm chệ trên bảo tàng Pinterest cho chúng ta chiêm ngưỡng. Chính sự hoàn thiện đó tạo nên thiên kiến giới hạn sự tưởng tượng và ngăn cản sự đột phá trong việc nghĩ ra một hướng đi hoàn toàn mới. Chính vì vậy, công cụ này chỉ nên sử dụng sau khi bạn đã có ý tưởng phác thảo rõ ràng và công dụng của reference là biểu thị định hướng sáng tạo và các treatment, song hành với bản phác thảo giúp cho người xem hình dung sát nhất với ý tưởng đề xuất. Vậy nên reference không thể thay thế hoàn toàn vai trò của phác thảo trong công việc sáng tạo.

Qua những kinh nghiệm làm việc từ khi còn là một designer trong ngành sáng tạo, cùng với những lợi ích nhận được từ việc phác thảo ý tưởng, nên khi đối diện với câu hỏi: “Designer có cần biết phác thảo không?” tôi sẽ mạnh dạn lựa chọn CÓ! Còn bạn thì sao?

Keep reading

View all