Webinar
July 22, 2024

Các thuật ngữ trong TVC, và bài thơ buồn của ngành

Thuật Ngữ Tvc Thumbnail
Sau khi dẫn các tân binh SEAL đi một vòng quanh tàu để giải thích vai trò, nhiệm vụ của người lính đặc nhiệm hải quân, chỉ huy đưa ra câu hỏi: “Các cậu còn điều gì chưa rõ không?”. 

Sau khi dẫn các tân binh SEAL đi một vòng quanh tàu để giải thích vai trò, nhiệm vụ của người lính đặc nhiệm hải quân, chỉ huy đưa ra câu hỏi: “Các cậu còn điều gì chưa rõ không?”. 

Mark, chàng tân binh lần đầu đặt chân lên tàu, ngơ ngác trước đầu sóng ngọn gió, giơ tay ra dấu phát biểu: “Thưa chỉ huy, em muốn hỏi câu này. Lênh đênh trên biển năm dài tháng rộng như thế, ‘chuyện đàn ông đi lính’ phải tính sao ta?”. 

Vốn quá quen với câu hỏi, chỉ huy trả lời ngay lập tức: “Mark, cậu có thấy cái thùng phuy đặt trong phòng kia không?”, chỉ huy vừa nói vừa đưa tay chỉ “Bên ngoài thùng phuy có cái lỗ tròn. Bất cứ khi nào có nhu cầu, cậu tra ‘chìa khoá’ của cậu vào đúng vị trí cái lỗ, sẽ có người phục vụ. Nhưng trừ thứ Ba”.

“Thưa chỉ huy, nhu cầu đến bất chợt, sao phải trừ thứ Ba?”, Mark thắc mắc. “Vì các ngày thứ Ba, cậu là người phục vụ trong thùng phuy!”. Ồ, Mark hiểu ra. Đó không phải mệnh lệnh. Đó là thuật ngữ chuyên ngành.

Các thuật ngữ cơ bản trong TVC

TV Commercial (TVC) / Phim quảng cáo. Có thể chỉ cần 1.000 đô, mà cũng có thể ngốn hàng triệu đô, tùy ý tưởng kịch bản và mục tiêu truyền thông nhãn hàng mong muốn. Hiện tại, công nghệ AI đã viết được kịch bản, đã shoot được TVC chất lượng cao.

Budget / Ngân sách. Có hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách làm phim. Thứ nhất là ý tưởng kịch bản. Thứ hai là kỹ xảo đặc biệt. Một căn bệnh chung của nhiều khách hàng nhỏ, là luôn đưa ngân sách phun sương, nhưng mong chờ TVC kỹ xảo hoành tráng cho đôi bên giật mình.

Agency / Công ty quảng cáo. Đối tác sáng tạo phụ trách ý tưởng và kịch bản phim. Ngoài ra, agency còn có nhiệm vụ theo sát toàn bộ quy trình sản xuất để đảm bảo không có bất kỳ một sai sót nào so với ý tưởng kịch bản ban đầu. Người đại diện agency trong sản xuất TVC thường là account manager trở lên.

Client / Khách hàng. Đơn vị đưa ra yêu cầu làm phim. Khách hàng có thể là cá nhân, nhãn hàng, cơ quan nhà nước như Tổng cục Du lịch, Tổng cục Đường sắt… hoặc các tổ chức phi chính phủ. Ai có tiền đều có quyền trở thành client.

Production House / Công ty sản xuất phim. Sau khi có ý tưởng kịch bản, agency sẽ gửi ý tưởng kịch bản đến production house yêu cầu báo giá. Đôi khi client không thông qua agency (để tiết kiệm tiền) mà làm việc trực tiếp với production house nếu có sẵn ý tưởng. Antiantiart là nhóm làm phim, làm clip rất bay bổng, ấn tượng.

Producer / Người sản xuất. Người của production house, giữ vai trò cầu nối, điều phối ba bên: agency-client- production house. Producer là người trực tiếp tham gia vào mọi hoạt động liên quan đến toàn bộ quy trình sản xuất phim, bao gồm tiền kỳ, on set và hậu kỳ. Vị trí producer chỉ dành cho người senior.

Director / Đạo diễn. Trước năm 2010, gần như 9/10 phim quảng cáo Việt đều do đạo diễn nước ngoài thực hiện. Lựa chọn đúng đạo diễn là khâu quan trọng bậc nhất để đảm bảo chất lượng phim. Nếu làm TVC hài, nên thỉnh các ngài đạo diễn Thái.

Director Of Photography (DOP) / Đạo diễn hình ảnh. Người chịu trách nhiệm về bối cảnh, hình ảnh, ánh sáng, góc máy… Phim quảng cáo với đặc thù nhanh gọn, chỉ quay trong 1 hoặc 2 ngày nên vai trò của DOP không đậm nét lắm, đôi khi kiêm luôn cameraman. 

Director Reel / Hồ sơ năng lực. Nếu designer có portfolio, đạo diễn có reel. Đây là các phim quảng cáo do đạo diễn đã thực hiện. Dựa vào hồ sơ năng lực, chi phí tiền công, agency và client sẽ chọn đạo diễn phù hợp. 

Director Treatment / Nhận xét của đạo diễn về kịch bản. Sau khi xem storyboard, đọc ý tưởng kịch bản, trao đổi với agency và producer, đạo diễn sẽ đưa hướng xử lý góc máy, thêm thắt, cắt bỏ một số chi tiết, bao gồm cả hình ảnh và lời thoại. 

Storyboard / Kịch bản minh họa. Kịch bản được phác họa thành những khung hình mô tả sơ lược về ý tưởng, không gian, diễn xuất, hiệu ứng đặc biệt… Production house dựa vào mô tả này để ước tính thời gian, chi phí sản xuất. 

Shooting Board / Kịch bản phân cảnh. Là bản phát triển chi tiết của storyboard, thường được đạo diễn thể hiện dưới dạng vẽ tay. Thứ tự khung hình trong storyboard là 1-2-3-4-5, trong shooting board có thể là 1-2-5-4-3, vì phải quay hết cảnh trên bờ, sau đó mới chuyển máy quay xuống ruộng. 

Set Designer / Họa sĩ thiết kế bối cảnh. Dựa vào kịch bản và địa điểm quay, đạo diễn đưa ra yêu cầu cho set designer thiết kế bối cảnh, tìm kiếm, sản xuất đạo cụ. Bối cảnh có thể là nhà kho được sơn phết lại. Đạo cụ đôi khi phải sản xuất độc bản cho phim. 

Location / Địa điểm quay. Với sản phẩm như mì gói, hạt nêm, location thường là góc bếp. Nước tăng lực, ôtô, xe máy… cần nhiều góc quay toàn cảnh, đa phần địa điểm ngoài trời. Xe điện ngầm, xe bus là location “độc quyền” cho chai lăn khử mùi.

Casting / Tuyển diễn viên. Dầu gội đầu cần mái tóc đẹp. Son cần bờ môi đẹp. Bikini cần bờ mông đẹp. Tùy ý tưởng kịch bản, các đơn vị tham gia sản xuất TVC sẽ săn tìm diễn viên có ngoại hình và nội thất phù hợp. Ngay cả con chó con mèo cũng tham gia casting như người.

Wardrobe / Phục trang. Vô cùng đa dạng và phong phú. Nếu cảnh quay gia đình, công sở thì phục trang đơn giản. Doanh nhân áo vest. Siêu nhân áo choàng. Vua chúa áo mão. OMO áo trắng. Phục trang diễn viên chính thường có màu sắc tương đồng với màu brand.

Main Talent | Extra Talent | Background Talent / Vai chính | Vai phụ | Vai quần chúng. Ví dụ, bối cảnh phim diễn ra trong sân vận động. Cầu thủ dắt bóng, ghi bàn là main talent; thủ môn, trọng tài là extra talent; khán giả là background talent. Nếu bối cảnh là góc bếp, người trực tiếp lăn vào bếp là main talent, bất kể người vợ hay người chồng. Đôi khi phim vẫn có 2 hoặc 3 main talent. 

Voice Talent / Người lồng tiếng. Người “nổi tiếng” mà không nổi hình, chỉ xuất hiện trong phòng thu âm. Phim phát VTV cần giọng Bắc, phát HTV cần giọng Nam. Tuy nhiên, cũng có phim sử dụng giọng trung hòa, phát đài nào vẫn cùng một giọng. 

Voice Over (V/O) / Giọng đọc thuyết minh. Phim đôi khi có diễn viên nhưng không cần lời thoại, chỉ có âm nhạc và giọng đọc thuyết minh, giữ vai trò dẫn dắt kịch bản. Cho dù phim có lời thoại, voice over vẫn được sử dụng vào đoạn kết phim để đọc tên brand và tagline.

Supers / Phụ đề. Nó đơn giản là dòng chữ xuất hiện như trên tiktok, vừa đủ người xem ghi nhận, sau đó biến mất. Vai trò của supers là minh họa cho hình ảnh để làm rõ thông điệp. Supers có thể xuất hiện độc lập, hoặc cùng khung hình với voice over/voice talent. Những phim sử dụng supers thường có tiết tấu êm đềm, bởi nếu nhịp phim quá nhanh, chuyển cảnh liên tục, chỉ có mắt thần chứ mắt người làm sao đọc nổi supers. 

Computer Graphic (CG) / Kỹ xảo máy tính. Từ này là thuật ngữ khó chuyển ngữ chính xác, có thể hiểu như dạng kỹ xảo đặc biệt được tạo ra bởi máy tính chứ không phải máy quay. Ví dụ, xe máy đang chạy bỗng biến thành người máy, hay hộp trà mở ra cánh đồng trà. Kiểu kiểu vậy.

Air | On-Air / Phát sóng | Đang phát sóng. Từ “Air” dùng nhiều trong ngữ cảnh TVC lần đầu lên sóng. Sau khi chiến dịch quảng cáo kết thúc, TVC dừng phát sóng, từ được dùng là Off-Air. 

Off-Line | On-Line / Bản dựng thô | Bản dựng hoàn thiện. Sau khi quay xong, phim được cắt ráp, lồng nhạc, lồng tiếng, hiệu ứng. Tất cả ở dạng thô chờ kiểm duyệt, gọi là Off-Line. Qua bước kiểm duyệt, tiếp theo là phần hậu kỳ. Nó giống tô son đánh phấn cho người mẫu trước khi xuất hiện trên sàn catwalk. Kết quả cuối cùng là bản dựng hoàn thiện. Bản đẹp, không che, sẵn sàng phát sóng, gọi là On-Line. 

Bạn muốn đọc tiếp hay nghỉ mắt?

Mời bạn nghỉ mắt với bài thơ lưu truyền trong dân gian. Một bài thơ buồn, rất buồn, mở ra liên tưởng lãng mạn về số phận nghiệt ngã của người làm quảng cáo sáng tạo. Hãy cảm nhận bài thơ như người bình thường, chịu khó tra từ điển một số thuật ngữ tiếng Anh bạn thấy bất thường.

Nếu tôi chết, hãy đưa tôi ra biển
Trên quan tài đề hai chữ “layout”
Để đại dương nổi hết trận ba đào
Nghe văn tế trải dài trên leaflet… 


Đừng than khóc, đừng chơi trò feedback
Để tôi nằm, không một tiếng complain 
Nước mắt nào rỏ xuống giữa đêm đen
Lời ai điếu chất đầy vào print-ad


Option nào rồi cũng die, cũng chết
Slogan nào thách thức nổi thời gian?
Packaging 6 tấm cháy thành than
Banner lượn giữa trời chiều tê tái…


Idea nào cũng trở về cát bụi
Concept nào rồi cũng hóa ra tro
Ta ngồi đây phất mãi tấm billboard 
Job request rơi vào miền vô nghĩa…


Đặt sticker vào cõi lòng nhân thế
Rung wobbler giữa thế giới cuồng phong
Trải poster ra giữa một cánh đồng 
Nghe gió đổ giữa đại ngàn hoang dại…


Thảo headline mà lòng buồn vời vợi
Thêm tagline cũng chẳng khá gì hơn 
Shelf-talker chết đứng giữa khung buồn
Teaser chẳng làm nhân gian sửng sốt 


Số phận ta là cơn dông bất chợt 
TVC xoay chuyển đến ngàn sau
Ta về đây nghe gió lượn qua cầu
Ôi rách nát story board tơi tả… 


Chẳng ai đem đời mình mà mặc cả
Mà deadline vẫn dí sát sau lưng
Một ngày kia nghe bão tố lên đường 
Trong quạnh quẽ không một người ngồi brief…

Keep reading

View all