Webinar
July 22, 2024

Art Director (Phần 2): Bà con gần của Designer.

Img 7771
Trên thực tế, mỗi vị trí đều có vai trò và chức năng riêng biệt, không có ai quan trọng hơn ai. Có chăng là liệu chúng ta sẽ phù hợp trở thành Cà Phê Sữa Đá hơn hay Bạc Xỉu hơn mà thôi.

VẬY DESIGNER VÀ ART DIRECTOR KHÁC NHAU CHỖ NÀO?

Cũng như cà phê sữa và bạc xỉu, art director và designer đều có những điểm giao nhau nhưng không giống nhau hoàn toàn. Cà Phê Sữa Đá đắng hơn một tí vì có nhiều cà phê hơn, ngược lại Bạc Xỉu lại có nhiều sữa hơn, ngọt ngào hơn và cả hai đều giống nhau về thành phần bao gồm cà phê và sữa. Art Director và Designer cũng vậy, họ đều là những người có kiến thức vững vàng về mỹ thuật, bố cục, màu sắc và typography… 

Nếu Art Director là người nghĩ ra khái niệm, ý tưởng tổng thể và định hướng về hình ảnh cho một chiến dịch quảng cáo thì Designer là những người biến những nguyên liệu đó trở thành những sản phẩm thực một cách chi tiết nhất có thể. Nếu Designer quan tâm nhiều hơn đến cái đẹp và thẩm mỹ thì Art Director lại để tâm nhiều đến việc cái đẹp đó có đang được sử dụng đúng nơi đúng chỗ hay không. Ví dụ: Một Designer rất rành về xu hướng thiết kế của năm, đối với anh ta thì Minimalism (Chủ nghĩa tối giản), Pop Art (Nghệ thuật bình dân) hay negative space (Không gian âm) đang là những trào lưu thịnh hành trong thiết kế. Nhưng những cái đẹp đó không phải dành cho tất cả, Art Director là người hiểu về thương hiệu, biết cách lựa chọn và đưa ra định hướng liệu phong cách thiết kế nào sẽ phù hợp cho nhãn hàng nào. Điều này cũng vô tình khiến nhiều người hiểu lầm rằng Art Director đang chỉ huy Designer. Thật ra nếu bạn hiểu như vậy cũng không hoàn toàn sai, nhưng cá nhân tôi thích hiểu theo hướng tương hỗ hơn. Tất cả những công việc đó là những gì thuộc về chuyên môn của cả hai, một người phụ trách tạo ra cái đẹp, một người giữ cho cái đẹp đi đúng hướng chứ không ai chỉ huy ai cả. 

Trên thực tế, mỗi vị trí đều có vai trò và chức năng riêng biệt, không có ai quan trọng hơn ai. Có chăng là liệu chúng ta sẽ phù hợp trở thành Cà Phê Sữa Đá hơn hay Bạc Xỉu hơn mà thôi. Nếu bạn là người yêu thích cái đẹp, sự chỉn chu, lề lối, bạn cực kỳ khó chịu với sự thiếu hoàn hảo, bạn là người thích ngồi hàng giờ để chăm chút một layout cho tới khi nó không còn dư thiếu bất cứ thứ gì để rồi cảm thấy hết sức tự hào về sản phẩm vừa mới hoàn thiện của mình theo cách gần như là tuyệt đối thì chúc mừng, thế giới sắp chào đón một Designer ngon lành. Còn nếu bạn là người có rất nhiều ý tưởng đến nỗi chỉ có thời gian để phác thảo chúng ra cho kịp thôi chứ chẳng thể làm thành Final Artwork, hoặc bạn thích làm việc với những ý tưởng mang tính giải pháp về truyền thông thương hiệu hay những bản guildline thì cũng xin chúc mừng, bạn đang đi đúng con đường để trở thành một Art Director thực thụ. 

Nguồn ảnh: Internet

NHƯ EM THÌ NÊN ỨNG TUYỂN ART DIRECTOR Ở ĐÂU?

Thắc mắc này là hợp lý vì hiện tại có khá nhiều công ty thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực đăng tuyển công việc thời thượng này và đương nhiên bản mô tả công việc cũng khác nhau kha khá. Các mẫu tin tuyển dụng thường xuất phát từ các công ty quảng cáo truyền thông, công ty xây dựng thương hiệu, các kênh truyền hình, các tòa soạn báo và tạp chí, công ty tổ chức sự kiện, các hãng phim,… Chính sự khác nhau về tính chất và quy trình hoạt động của các lĩnh vực này đã khiến cho mỗi khái niệm công việc Art Direction ở mỗi lĩnh vực có phần khác nhau về cách làm việc, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng và vị trí cấp bậc.

Ví dụ: Ở công ty quảng cáo Art Director sẽ dưới quyền Creative Director. Ở hãng phim thì Art Director lại chịu sự quản lý của nhà sản xuất hoặc đạo diễn. Trong khi ở một số tòa soạn thì Art Director lại báo cáo trực tiếp cho tổng biên tập. Hay nói theo góc độ chuyên môn, nếu một Art Director ở công ty quảng cáo cần nắm rõ các kiến thức về marketing và truyền thông, thì ở hãng phim Art Director cần quan tâm nhiều đến các kiến thức về góc máy, khung hình, kịch bản và các quy tắc điện ảnh, còn đối với tòa soạn tạp chí thì họ lại tập trung vào các kiến thức về thời trang, nhiếp ảnh và dàn trang in ấn… Vậy chúng

ta cần xác định rõ mong muốn và thế mạnh của bản thân phù hợp với ngành nghề hay lĩnh vực nào để tránh tình trạng loay hoay lạc lối, không biết phải làm gì học gì và bắt đầu từ đâu.

(Còn tiếp)

Art Director (Phần cuối): Bí kíp vào nghề.

Tác giả: Huy Mai
Thời điểm phát hành: 2020
Nội dung chính từng được phát hành trên: Phụ bản RIO BOOK – Art Direction

Keep reading

Toi Co 2

Khi dân sáng tạo FOMO

Chỉ lỡ dậy muộn một hôm, lên mạng đã trở thành “người tối cổ”. Đây là thực trạng…

View all