Webinar
July 22, 2024

Art Director (Phần 1): Giám đốc nghệ thuật – nghề nghiệp hay cấp bậc?

Art Director trong công ty quảng cáo không hẳn là cấp bậc quản lý mà là chức danh làm nghề.

Buổi sáng, ngồi thưởng thức ly cà phê đậm đà và cùng nói chuyện với những con người sáng tạo thì đúng là không còn gì bằng. Hồi còn là sinh viên mới ra trường, tôi cũng thường có những buổi cà phê như vậy với thầy cô, bạn bè, các đàn anh đàn chị trong ngành thiết kế hoặc quảng cáo – những người “ăn nằm” lâu năm với nghề. Lúc đó, tất cả thắc mắc ngô nghê của tôi luôn được giải đáp một cách cặn kẽ qua các câu trả lời hết sức chân thật từ họ. Và sau đây là những câu hỏi – đáp được đúc kết từ bản thân tôi sau những lần cà phê xoay quanh chủ đề Art Direction trong vũ trụ truyền thông quảng cáo ấy.

Nguồn ảnh: Internet


ANH ƠI EM MUỐN LÀM ART DIRECTOR THÌ CẦN PHẢI LÀM GÌ?

Đây có lẽ là câu hỏi phổ biến nhất lúc tôi mới vào nghề quảng cáo. Và không chỉ tôi mà một vài, à không, chính xác là một “đống” những sinh viên ngành thiết kế lẫn junior designer (người mới đi làm một đến hai năm) như tôi thường hỏi các tiền bối. Các tiền bối này thường là sinh viên khoá trên, giảng viên trong trường đại học hoặc người làm nghề lâu năm, từ tổng biên tập cho đến các nhà sản xuất phim ảnh hay như người anh thường ngồi cà phê với tôi − một Creative Director (Giám Đốc Sáng Tạo)… Trên thực tế, có khá nhiều câu trả lời từ những góc nhìn khác nhau được đưa ra. Người thì cho rằng Art Director là giám đốc nghệ thuật quyền cao chức trọng, người lại bảo Art Director đơn thuần chỉ là người phụ trách phần hình ảnh chứ không phải là giám đốc gì ghê gớm. Chưa hết, còn có ý kiến khuyên rằng nghe oai thế thôi chứ đừng ham, vì thật ra Art Director chỉ là một tên gọi khác của một senior designer (người đi làm lâu năm) mà thôi. Vậy ai đúng ai sai? Hoang mang chưa?

Hãy tạm dừng vò đầu bứt tóc và cùng ngẫm nghĩ một chút để xem đâu mới là chân lý giữa nhiều luồng ý kiến không thực sự giống nhau kia. Chức danh này bao gồm “Art” và “Director”: Art gồm các nghĩa thường gặp như: nghệ thuật, mỹ thuật, còn Director thì rộng hơn: giám đốc, đạo diễn, người chỉ đạo, người định hướng, người chỉ huy…. Từ những ngữ nghĩa này so ra sẽ thấy tất cả đều có một nghĩa chung nhất là người nào đó có quyền quyết định đối với một số sự việc trong tập thể, nhưng chúng ta vẫn thấy sự khác biệt về tính chất của chúng trong từng ngữ cảnh cụ thể. Ví dụ: Khi Director mang nghĩa giám đốc hay người chỉ huy thì ngữ nghĩa này đang mang tính chất quản lý nhân sự và chỉ đạo cho đội nhóm. Mặt khác, nếu Director mang nghĩa là người định hướng, người quyết định thì đôi khi có thể hiểu họ là những người làm việc chuyên môn và dùng chuyên môn của mình để định hướng một dự án, kế hoạch hay một chiến dịch theo hướng mà họ cho là phù hợp và lúc này họ không thật sự là một người chỉ huy mà chỉ là một mảnh ghép trong đội nhóm. Đây là nguyên nhân khiến cho khái niệm Art Director có chút nhập nhằng. Nhưng đừng lo, dù là giám đốc hay người định hướng thì về cơ bản chức danh Art Director đã phần nào mô tả về công việc bạn phải làm rồi đúng không? Chính là một việc gì đó dính dáng đến “Art”. Nôm na tạm hiểu Art Director là người quyết định về nghệ thuật. Thế nên muốn trở thành Art Director, chắc chắn bạn phải là một chuyên gia với vốn kiến thức tương đối bài bản và đủ rộng về nghệ thuật/mỹ thuật. Còn việc Art Director có phải là giám đốc hay không thì còn tuỳ thuộc vào vai trò của vị trí đó đối với công việc như thế nào.

Person Creating Online Content With Their Pets
Nguồn ảnh: Internet

SAO CÓ NHỮNG CÔNG TY CÓ NHIỀU GIÁM ĐỐC DỮ VẬY CHỊ?

  • Chào em, ngày đầu tiên đi làm chị dắt em đi một vòng phòng sáng tạo để em làm quen với mọi người nhé.
  • Dạ em hồi hộp quá chị!
  • Xin giới thiệu với em đây là bác Executive Creative Director (Giám Đốc Sáng Tạo điều hành) người Mỹ, kế bên là 2 anh Associate Creative Director (Phó Giám Đốc Sáng Tạo) người Úc Đại Lợi, bên trái là 4 anh Senior Art Director (Giám Đốc Nghệ Thuật cao cấp) người Tân Tây Lan, bên phải là 6 anh Mid-Level Art Director (Giám Đốc Nghệ Thuật trung cấp) người Việt, người Phi, người Mã, và cuối phòng là 12 anh Junior Art Director (Giám Đốc Nghệ Thuật sơ cấp) thuộc nhóm các nước Gờ Bảy. Ngoài ra… .Nghe tới đây thằng bé intern choáng váng đầu óc, tay chân bủn rủn, mặt mày tái xanh.
  • Ủa công ty mình có ai ko phải là giám đốc không hả chị?

Trong trường hợp này chúng ta có thể thấy vị trí Art Director trong công ty quảng cáo không hẳn là cấp bậc quản lý mà là chức danh làm nghề. Họ là những người định hướng hình ảnh cho chiến dịch quảng cáo và phối hợp nhịp nhàng với các đồng nghiệp khác trong đội ngũ sáng tạo như Copywriter, Designer hay Planner. Và tất cả họ cùng làm việc dưới quyền một Creative Director. Có người hiểu theo hướng Art Director là sếp của Designer, điều này không sai nhưng không phải tất cả đều như vậy mà phụ thuộc vào cấu trúc hoạt động của công ty. Ví dụ: một số công ty chia ra là phòng Creative và Studio. Phòng Creative bao gồm Creative Director đứng đầu bên dưới là nhiều những Art Director và Copywriter. Còn phòng Studio đứng đầu là Design Director và bên dưới là các thể loại Designer như: Graphic Designer, Motion Designer, có nơi còn bao gồm Illustrator và Visualizer,… Rõ ràng, thông qua cách chia bộ phận như trên chúng ta có thể thấy Art Director không phải là sếp của Designer mà họ là những người có vai trò khác nhau ở các bộ phận khác nhau.

(Còn tiếp)

Art Director (Phần 2): Bà con gần của Designer.

Tác giả: Huy Mai
Thời điểm phát hành: 2020
Nội dung chính từng được phát hành trên: Phụ bản RIO BOOK – Art Direction

Keep reading

Toi Co 2

Khi dân sáng tạo FOMO

Chỉ lỡ dậy muộn một hôm, lên mạng đã trở thành “người tối cổ”. Đây là thực trạng…

View all