Mentee X Mentor (Phần 1): Creative tầm sư học “tạo” sao cho “sáng”?
Trong phần một, tôi đã giới thiệu một số tiêu chí tham khảo để ‘săn lùng’ mentor phù hợp. Những phần còn lại sẽ là những câu chuyện về những mentor (giấu tên) tuyệt vời “đỉnh chóp” mà tôi đã may mắn được biết và học hỏi nhiều điều từ họ.

3. Người thầy toàn diện
Mentor tưởng chừng ở đâu đó xa xôi, nhưng thực chất gần hơn bạn nghĩ.
Tệp săn lùng số 1: Giảng viên của những trường đại học hoặc những nơi bạn đang theo học.
Và người Mentor đầu tiên của tôi chính là Thầy X – Giảng viên trường Đại Học, Giám đốc sáng tạo. Ngày đó, thầy X được mời đến thỉnh giảng ở đại học Kiến Trúc TP. HCM hướng dẫn bộ môn TVC (Sáng tạo phim quảng cáo), khi ấy thầy cũng đang là một Creative Director (CD) cho một tập đoàn truyền thông lớn tại Việt Nam. Sau những lần “rình rập và đeo bám” mời người đi cà phê thì tôi cũng dần thân với thầy. Có thể nói, thầy X là một mẫu CD chuẩn mực. Dù là một CD Art-based[1] nhưng thầy X cũng là một bậc thầy tiếng Việt. Thầy X không chỉ là thầy của bao thế hệ designer, art director mà còn là “sếp xịn” của bao đời copywriter. Chính vì vậy, những kiến thức từ thầy mang tính bao quát về ngành nghề rất cao.

Nhờ sức “đeo bám” tốt mà tôi đã lĩnh hội từ rất sớm những kiến thức tinh hoa của nghề quảng cáo từ thầy X. Hãy tưởng tượng thử, những năm đầu đi làm của một junior creative, chiếc brief còn không biết đọc sao cho đúng, hiểu sao cho tròn thì nói gì tới brainstorm ý tưởng. Thế nhưng một junior creative có mentor xịn “chống lưng” lại là một câu chuyện khác. Mỗi buổi cà phê là một lần vỡ òa với vô vàn kiến thức, kinh nghiệm và tư duy, nói theo kiếm hiệp Kim Dung thì như thể được truyền thụ hơn hai mươi năm công lực trong một thời gian ngắn ngủi. Những chiếc brief tưởng chừng “khó nuốt” lại được thầy chuyển ngữ một cách dễ hiểu tuyệt đối từ góc nhìn của một CD dạn dày kinh nghiệm. Những ý tưởng “bay tá lả” cũng được thầy X “nắn xương, uốn khớp” bằng trình độ và kinh nghiệm bậc thầy.
Vừa có kiến thức hàn lâm của trường lớp, vừa có trải nghiệm thực tế của những công ty quảng cáo lớn. Có thể thấy, mẫu mentor như thầy X là một hình mẫu mentor lý tưởng mà bất kỳ junior nào cũng mong muốn tìm thấy.
4. Người sếp giỏi giang
Tệp săn lùng số 2: Các anh chị sếp và cấp trên
Tệp mentor này những bạn trẻ first jobber[2] chắc cũng không mấy xa lạ. Tuy nhiên, không chỉ là junior, các bạn senior cũng hoàn toàn có thể tầm sư ở một giai đoạn cao hơn, ví dụ như trường hợp của tôi sau đây. Người mentor quan trọng thứ hai của tôi chính là chị Z, sếp của tôi, một nữ Creative Director thông minh sắc sảo. Chị Z là người khai sáng rất nhiều về tư duy làm nghề cho tôi và một bước đà quan trọng trong cả sự nghiệp làm quảng cáo của tôi. Từ một art-based creative mang trong mình đầy những cảm tính trong sáng tạo, tôi đã được chị chỉ dạy rất nhiều để phát triển cả chuyên môn lẫn những chuẩn mực đạo đức trong công việc. Vì vậy có thể nói thời gian làm việc cùng chị không quá dài, khoảng hơn một năm nhưng với tôi đó là một khoảng thời gian vô cùng giá trị.

Về chuyên môn, tôi học được từ chị cách suy nghĩ chín chắn và thấu đáo khi làm bất cứ một việc gì dù lớn hay nhỏ. Bản tính ào ào trong công việc của những người trẻ đôi khi rất dễ mắc những sai lầm, vì vậy khi được một mentor kiểm soát và chấn chỉnh, tôi thấy tự tin hơn rất nhiều. Bên cạnh việc được hiểu rõ hơn về bản chất của ngành nghề, tôi và các đồng nghiệp cũng được rèn luyện tư duy rất nhiều trong các buổi workshop mà chị tổ chức, những kỹ năng, tư duy tưởng chừng là cơ bản nhưng thật sự quan trọng như: lắng nghe sâu, nghiên cứu, phản biện, tranh luận v.v…
Về đạo đức, tôi học được cái nhìn chững chạc và đa chiều hơn khi bắt tay vào làm một điều gì đó. Tôi được chị dạy làm nghề một cách có tâm, bớt đi sự hời hợt, bớt biết rộng thay bằng hiểu sâu, bớt đi sự “công nghiệp” trong sáng tạo theo hướng tạo công thức để nghĩ ý tưởng dễ dàng hơn, thay vào đó đặt tâm thế tìm hiểu và nghiên cứu để sau mỗi dự án đều là một bài học mới đầy giá trị. Từ những điều đó, sự say mê và hứng thú với nghề của tôi tăng lên gấp bội.

Không chỉ truyền dạy kiến thức và kỹ năng, chị Y còn giúp tôi xây nền tảng tư duy và đạo đức nghề nghiệp – những thứ không có trong sách vở nhưng lại quyết định cách một người làm nghề trong dài hạn. Đó là kiểu mentor hiếm có mà nếu may mắn gặp được, bạn sẽ mang theo những ảnh hưởng của họ trong suốt sự nghiệp của mình.
(Còn tiếp)
Mentee X Mentor (Phần 1): Creative tầm sư học “tạo” sao cho “sáng”?
[1] Người làm sáng tạo với nền tảng là Art & Design.
[2] Những người trẻ mới đi làm công việc đầu tiên.