Webinar
Huy maiHuy Mai
November 24, 2024 - 

Nghề thiết kế: Từ ‘Day one’ đến ‘One day’

Designer
Nhớ rằng, 'one day' bắt đầu từ 'day one', dù có dấn thân vào bất kỳ lĩnh vực gì, hãy đọc thật kỹ chiếc brief ĐẦU NGÀY và hãy hết mình với chiếc ý tưởng "ĐẦY NGẦU".

Khi chọn theo đuổi nghề thiết kế sáng tạo, chúng ta đều biết nghề thiết kế nói chung và nghề thiết kế đồ họa nói riêng được phân ra rất nhiều mảng và lĩnh vực chuyên biệt. Ví dụ: Thiết kế thương hiệu (Brand Design), Thiết kế giao diện và trải nghiệm số (Web/Ux Ui Design), Thiết kế quảng cáo (Advertising Design), Sáng tạo sự kiện (Event Design), Thiết kế ấn phẩm sách báo (Editorial Design), Thiết kế sản xuất phim (Production Designer), Nhiếp ảnh gia, Đạo diễn phim hay Đạo diễn hình ảnh (DOP) v..v…

Xác định được đam mê với art & design đã khó, biết được bản thân phù hợp với ngành thiết kế nào lại khó hơn gấp bội. Vậy làm các nào để chọn đúng “hệ phái” phù hợp cho con đường “hành tẩu” thiết kế của mình?

Nguồn ảnh: Internet

Dấn thân thử nghiệm

Không có câu trả lời nào giá trị bằng câu trả lời từ chính trải nghiệm bản thân. Và nếu chưa đủ trải nghiệm, bạn sẽ không có đủ dữ liệu để đưa ra câu trả lời đúng nhất. Lời khuyên là trong khoảng ba đến năm năm đầu tiên khi đi làm bạn cần khoanh vùng lựa chọn nghề nghiệp để trải nghiệm chuyên sâu.

Ví dụ: Bạn đang lăn tăn bởi ba lĩnh vực là Ui Ux Design, Brand Design và Advertising. Bạn hãy lần lượt dấn thân vào từng môi trường làm việc và trải nghiệm ít nhất mười hai tháng, xin nhắc lại và nhấn mạnh là ít nhất mười hai tháng trải nghiệm cho một môi trường nghề nghiệp để đủ thẩm thấu tính chất cơ bản của một lĩnh vực.

Nguồn ảnh: Internet

Chuyển “hệ” nếu cần

Trong quá trình trải nghiệm ở từng môi trường, hãy nỗ lực hết mình để học hỏi, tác phong chuyên nghiệp, cố gắng dấn thân vượt qua các rào cản để khám phá tiềm năng của bản thân. Có thể bạn chưa tìm được sự gắn kết với nghề, nhưng ít nhất bạn biết bản thân của bạn có thể tiến xa tới đâu trong nghề đó.

Nếu làm trong một môi trường tới khoảng một năm bạn vẫn còn hào hứng thì hãy tiếp tục với công việc, nhưng nếu phát hiện không có động lực và đam mê thì nên nhớ trong giai đoạn này bạn vẫn còn cơ hội để cân nhắc. Tuy nhiên, hãy cân nhắc bằng một cái đầu tỉnh táo cùng với một cái nhìn sáng suốt. Hãy phân tích ra rằng những động lực và đam mê đó đến từ đâu? Chúng có đến thực sự từ tình yêu với công việc hay chúng chỉ đơn thuần là sự cộng hưởng từ các yếu tố phụ như: lương cao, sếp xịn, đồng nghiệp “hợp cạ”, trà sữa miễn phí hay những chuyến company trip châu Âu v..v… Tất cả những quyền lợi tuyệt vời đó rất dễ trở thành “chiếc bẫy hạnh phúc” trên con đường sự nghiệp.

Nguồn ảnh: internet

Thời điểm chốt hạ

Như đã đề cập, bạn hoàn toàn có thể thử nghiệm một vài môi trường làm việc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng cho con đường sự nghiệp dài hạn. Và có một con số mang tính chất tham khảo mà bạn có thể cân nhắc: số 28. Đúng vậy, bạn nên “nhảy việc” để trải nghiệm hết những gì còn băn khoăn trước khi bước vào tuổi 28. Tất nhiên, nếu bạn đã tìm ra “nghề chân ái” từ năm 23 tuổi, thì thật tuyệt vời. Hoặc thậm chí nếu đến năm 33 tuổi bạn mới nhận ra đam mê và thế mạnh của mình, đó cũng không phải là quá muộn. Hãy nhớ rằng, David Ogilvy – ông hoàng ngành quảng cáo – bắt đầu sự nghiệp khi đã 38 tuổi, và phần còn lại chính là một câu chuyện huyền thoại.

Tuy nhiên, lý do mà con số 28 được xem là mốc quan trọng cho sự nghiệp là vì đây là độ tuổi bạn đã đủ trưởng thành và có đủ trải nghiệm để đưa ra những quyết định đúng đắn. Nếu bạn quyết định chọn con đường quá sớm mà chưa có đủ trải nghiệm, rất có thể sau này bạn sẽ cảm thấy tiếc nuối. Ngược lại, nếu bạn chọn lại nghề nghiệp quá muộn, bạn cũng có thể đánh mất nhiều cơ hội và lợi thế trên con đường sự nghiệp của mình.

Nguồn ảnh: Internet

Sứ mệnh cuộc đời

Một câu hỏi kinh điển thường được hỏi trong những buổi workshop hướng nghiệp đó là: “Tại sao chúng ta phải chọn nghề A trong khi nghề B “hot” hơn, lương cao hơn, môi trường work-life balance[1] hơn?”

Có rất nhiều cách để trả lời câu hỏi này, tùy thuộc vào từng người. Tuy nhiên, câu trả lời cô đọng nhất mà tôi muốn chia sẻ là: “Với bất kỳ ngành nghề nào, khi bạn nhận ra rằng cuộc đời bạn và ngành nghề bạn chọn có cùng một sứ mệnh thì khi đó bạn sẽ có thể sống với nghề đó đến cuối đời.”

Nói không quá, vì khi tìm ra được sứ mệnh song hành đó, nghề nghiệp sẽ trở thành tri kỷ không thể thiếu. Mọi thứ khó khăn đều sẽ trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, hành trình tìm kiếm tri kỷ trong sự nghiệp không phải là điều đơn giản. Nó đòi hỏi bạn phải hiểu rõ, hiểu đúng bản thân qua nhiều trải nghiệm. Thậm chí, đôi khi bạn có thể lầm tưởng rằng mình đã chọn đúng nghề A, cho đến khi bạn thử sức với nghề B. Và đôi khi, mỗi nghề nghiệp lại chỉ phù hợp với từng giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp của bạn.

Nguồn ảnh: Internet

Tạm kết: Xã hội ngày càng phát triển, mở ra vô vàn cơ hội việc làm. Nhưng nghịch lý là, càng nhiều sự lựa chọn, con người càng dễ cảm thấy lạc lõng và chóng chán. Hành trình tìm ra sứ mệnh cuộc đời trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Vì thế, chẳng có giải pháp nào hoàn hảo. Lời khuyên có lẽ chỉ là: Hãy trang bị cho mình khả năng tự học, thích nghi và tinh thần dám dấn thân để đối mặt với thay đổi mỗi ngày của thời đại. Nhớ rằng, ‘one day’ bắt đầu từ ‘day one’, dù có dấn thân vào bất kỳ lĩnh vực gì, hãy đọc thật kỹ chiếc brief ĐẦU NGÀY và hãy hết mình với chiếc ý tưởng “ĐẦY NGẦU”.

Keep reading