Chuyện là khi mới vào ngành, Nghi ngu ngơ không biết gì. Đang ngồi thẫn thờ chờ được giao việc, thì anh art[1] ngồi kế bên ảnh nhờ: “Tạo đét dùm anh đi em.”
Dừng khoảng chừng là hai giây. “Đét”? Ngôn ngữ gì đây?
Nghi liền độc thoại nội tâm trong hỗn loạn.
“Đét” thì không phải tiếng Việt rồi. Phiên âm tiếng Anh gần nhất chắc hẳn là “deck”. Boong tàu hả? Nhưng không hợp lý, chả liên quan gì đến quảng cáo hay tình huống hiện tại.
Bộ bài? Đang làm việc tự nhiên kêu đánh bài?
Hay ý ảnh là sketch (bản vẽ) hả ta? Nhưng mình là copywriter mà, vẽ vời gì trời.
Hay ảnh ngọng từ “tạo nét”? Ủa mà tự nhiên kêu tạo nét là sao má? Trời ơi cú tui.
Những giả thuyết đánh ngang đầu mà huống hồ nghe xẹt xẹt như điện cao thế, Nghi ngu ngơ quyết định chọn giả thuyết nghe có vẻ hợp lý nhất. Nghi đáp: “Dạ, em không biết đánh bài.”
Anh art mắt chữ A mồm chữ O. Ảnh cũng dừng chừng hai giây…
“Tao nói tạo ĐÉT-K. Là ĐÉT-K đó trời ơi là trời!” – chữ K ảnh phát âm như người bản xứ, run bần bật, rõ ràng, sắc nét 4K.
Sau khi bừng tỉnh sau những tiếng chửi, Nghi đã học được thuật ngữ “deck.”

DECK
Bản trình bày đề xuất chiến lược và ý tưởng cho chiến dịch truyền thông, thường được làm bằng Powerpoint hoặc Keynote
Đọc phần giải nghĩa cho biết thôi nha chứ không ai nói vậy trong ngành này hết trơn.
“Dạ em vừa tạo xong bản trình bày đề xuất chiến lược và…” chưa nói xong thì nước miếng của ai đó đã văng đầy mặt bạn rồi. Thôi, xin đừng.
Muốn biết phải hỏi
Các bạn vừa vào ngành sẽ không tránh khỏi việc “rớt” những thuật ngữ chuyên môn. Những lúc như vậy bạn đừng ngại hỏi lại, vì các sếp sẽ rất sẵn lòng trả lời thay vì bạn tự phỏng đoán và làm không đúng việc được giao.

Muốn giỏi phải chủ động
Nhưng để chủ động hơn trong công việc, các bạn nên tìm hiểu trước về các thuật ngữ, thay vì đợi đến lúc gặp phải rồi mới học thì đã khá trễ… Để biết thêm, bạn có thể hỏi các anh chị đồng nghiệp trong nhóm. Nhưng thường “top of mind” sẽ rất khó liệt kê ra hết những thuật ngữ có trong ngành, nên các bạn hãy dành thời gian tìm hiểu thêm trên các trang có bài viết về ngành quảng cáo để tự phổ cập.
Sau đây là một vài thuật ngữ ngành cần biết khác cho newbie:
CLIENT BRIEF
Tài liệu ngắn gọn tóm tắt các mục tiêu, đối tượng mục tiêu và kết quả mong muốn của một chiến dịch quảng cáo.
Client brief đóng vai trò như một bản đồ định hướng cho agency, đảm bảo đề xuất chiến lược và ý tưởng đưa ra phù hợp với mục tiêu và nhận diện thương hiệu của khách hàng. Client brief thường tập trung vào mục tiêu kinh doanh, đồng thời cung cấp một cái nhìn tổng quan về sản phẩm/dịch vụ, đối tượng khách hàng mục tiêu, thị trường cạnh tranh, và ngân sách.

CREATIVE BRIEF
Creative brief được phát triển bởi agency dựa trên thông tin từ client brief. Tài liệu này tập trung vào việc định hình ý tưởng sáng tạo cho chiến dịch bao gồm: định hướng chiến lược, thông điệp cốt lõi mà chiến dịch muốn truyền tải, huyệt tâm lý liên quan đến vấn đề mà client brief đặt ra, và đôi khi còn có cả “case study” nữa.
Nhưng “case study” lại là gì nữa đây? Nhiều từ mệt ghê.
CASE STUDY
Là báo cáo chi tiết về một chiến dịch quảng cáo cụ thể. Nó kể lại toàn bộ quá trình, từ việc lên ý tưởng, thực hiện, đến kết quả đạt được.
Minh chứng hiệu quả: Case study là bằng chứng rõ ràng nhất về hiệu quả của một chiến dịch quảng cáo. Nó giúp các doanh nghiệp và agency đánh giá được tác động của chiến dịch lên doanh số, nhận diện thương hiệu và các chỉ số khác.
Nguồn cảm hứng: Case study là nguồn cảm hứng vô tận cho các đội ngũ sáng tạo. Bằng cách nghiên cứu các chiến dịch thành công, họ có thể học hỏi được những ý tưởng sáng tạo, những chiến lược hiệu quả và tránh được những sai lầm.

PITCH
Đấu thầu dự án quảng cáo – là khi “đại hội” các agency anh tài hội tụ để trình bày đề xuất chiến dịch quảng cáo với nhãn hàng, từ đó nhãn hàng sẽ chọn ra đề xuất xuất sắc nhất.
[1] Viết tắt của từ Art Director: Chuyên viên Thiết kế